Tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19: Cách làm hiệu quả trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Ngày đăng: 20/04/2020 14:40
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 20/04/2020 14:40
Tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 bằng tiếng dân tộc tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) qua nhiều kênh như phát thanh, truyền hình, xe lưu động, tờ rơi, băng rôn, pa nô, áp phích… đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch.
Xã Cuôr Đăng (huyện Cư M'gar) có trên 95% dân số là người Êđê, vì vậy ngoài tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 bằng tiếng phổ thông, xã rất quan tâm tuyên truyền bằng tiếng Êđê, giúp người dân nắm bắt đầy đủ, kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch.
Ông Y Rô Niê (buôn Kroa B, xã Cuôr Đăng) cho hay, hơn một tháng nay, ông đã quen với tiếng loa phát thanh vang lên mỗi ngày bằng tiếng Êđê hướng dẫn thực hiện vệ sinh cá nhân như rửa tay đúng cách bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch rửa tay... Qua đó ông và bà con trong buôn hiểu hơn những vấn đề liên quan đến dịch bệnh Covid-19 để đỡ lo lắng, chủ động phòng tránh dịch bệnh…
Không chỉ ông Y Rô mà nhiều người lớn tuổi trong buôn cũng không sử dụng thành thạo tiếng phổ thông, do đó việc tuyên truyền bằng tiếng Êđê có hiệu quả rõ rệt với bà con. Bà H’Nel Êban, Phó Chủ tịch UBND xã Cuôr Đăng cho hay, xã đã triển khai việc dịch tài liệu tuyên truyền của Trung tâm Y tế huyện sang tiếng Êđê và tuyên truyền song song bằng hai thứ tiếng để giúp người dân hiểu, nâng cao nhận thức, chung tay cùng cộng đồng phòng ngừa dịch bệnh.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Trung tâm Phát hành Phim và Chiếu bóng (PHPCB) đã chuyển đổi hoạt động chiếu phim lưu động thành tuyên truyền lưu động về phòng, chống dịch. Hằng ngày, các xe loa lưu động của Trung tâm rong ruổi trên khắp các đường làng, ngõ xóm, thôn, buôn của các huyện, thành phố phát đi những thông tin về dịch bệnh, chú trọng những nơi ít có điều kiện tiếp xúc với phương tiện truyền thông, nơi đài truyền thanh của xã, huyện chưa phủ sóng. Nội dung tuyên truyền được biên soạn ngắn gọn, dễ hiểu, phát bằng cả tiếng phổ thông và tiếng Êđê để người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS đều có thể hiểu rõ, tập trung vào Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện đợt cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 như: mọi người dân hãy ở nhà, chỉ ra đường khi thật cần thiết; hạn chế tiếp xúc đông người, khi cần tiếp xúc phải giữ khoảng cách tối thiểu 2 m; thực hiện đeo khẩu trang khi ra đường; thường xuyên rửa tay bằng nước sát khuẩn...
Ông Trương Thanh Bưởi, Đội trưởng đội Chiếu bóng số 1 - Trung tâm PHPCB cho biết: “Trong đợt cao điểm về phòng, chống dịch Covid-19, các đội chiếu bóng lưu động của trung tâm đã thực hiện gần 50 buổi tuyên truyền bằng 2 thứ tiếng qua hình thức xe loa tại các thôn, buôn của 15 huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh. Cùng với việc tuyên truyền cho người dân, cán bộ nhân viên của đội chiếu bóng cũng chú trọng tuân thủ quy định phòng, chống dịch bệnh cho chính mình. Xác định đảm bảo an toàn cho mình cũng chính là đảm bảo an toàn cho cộng đồng, nên ngoài việc thường xuyên rửa tay bằng nước sát khuẩn, anh em luôn thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang, đội mũ bảo hộ và sử dụng găng tay...”.
Bên cạnh tuyên truyền lưu động, phát thanh qua hệ thống loa truyền thanh, phát tờ rơi… thì một số cơ quan truyền thông cũng tăng cường tuyên truyền về dịch Covid-19 bằng tiếng dân tộc thiểu số tại chỗ. Nhờ đó, đồng bào các buôn làng kịp thời nắm bắt diễn biến dịch bệnh để biết cách phòng tránh, đồng thời cũng là dịp để cán bộ và người dân có thể gần nhau, hiểu nhau hơn. Qua đó, góp phần phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong việc chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
Mai Sao