Cồng chiêng Tây Nguyên: "Mở rộng" hay "lan tỏa"? (Kỳ 2)
Ngày đăng: 05/05/2020 08:38
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 05/05/2020 08:38
Kỳ 2: Đời sống mới của cồng chiêng
Từ năm 2015, cồng chiêng đã trở lại và ngân lên rộn rã giữa các buôn làng ở Đắk Lắk. Hơn thế, cồng chiêng ở đây đã bước ra và tham dự vào không gian rộng lớn, sinh động hơn trong đời sống sinh hoạt của các cộng đồng người dân tộc thiểu số tại chỗ.
Hòa nhập mọi không gian
Những năm gần đây, cồng chiêng đã trở thành hoạt động văn hóa - nghệ thuật gần gũi, không còn bó hẹp trong các nghi lễ cổ xưa mà đã hiện diện khắp nơi, kể cả trên sân khấu hiện đại trong nước và quốc tế. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên như GS-TS. Phan Đăng Nhật, Nguyễn Chí Bền, Tô Ngọc Thanh… đều cho rằng cồng chiêng ở đây có được đời sống mới mẻ như thế là nhờ chủ nhân của nó tạo lập trên nền tảng kế thừa và phát huy tích cực.
Ví như dàn chiêng buôn Kô Siêr (phường Tân Lập – TP. Buôn Ma Thuột), các nghệ nhân ở đây đã phiên chế lại bộ chiêng theo cách của mình để có thể tham gia trình diễn với các loại nhạc cụ truyền thống khác ở bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào: trong nhà, ngoài bến nước, trên nương rẫy... hoặc trên cả sân khấu hoành tráng khắp mọi nơi, kể cả các nước phương Tây như Thụy Điển, Pháp, Đức, Ý mà đội chiêng đã từng được mời lưu diễn. Nhiều người cho đó là bước đi tất yếu, phù hợp với đời sống xã hội của các cộng đồng người dân tộc thiểu số tại chỗ hiện nay. Cố nhiên, một khi đã đi vào đời sống mới với tư cách là hoạt động văn hóa - văn nghệ phổ biến (chứ không bao hàm ý nghĩa rộng lớn là Không gian Văn hóa cồng chiêng như UNESCO đã vinh danh) thì loại hình âm nhạc này phải có sự sáng tạo không ngừng dựa trên những giá trị, nguyên dạng đặc trưng của dàn cồng chiêng cổ truyền.
“Mặc dầu hiện nay, chức năng xã hội, tâm linh bị giảm thiểu hay mất đi ít nhiều, nhưng chức năng mô tả, chuyên chở cảm xúc của con người và cộng đồng trước hiện thực đời sống của Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên vẫn còn và nó trở thành một bộ phận hữu cơ trong dòng chảy văn hóa truyền thống - hiện đại Việt Nam” – (Đề dẫn Hội thảo Bảo tồn, phát huy Di sản Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên do Bộ VH-TT-DL tổ chức tại Kon Tum vào trung tuần tháng 4-2018) |
Chia sẻ thêm điều này, những nghệ nhân nổi danh như Ama Pô, Y Míp Ayun (đội chiêng buôn Kô Siêr) chỉ ra: Ngoài những bài chiêng cổ do ông bà để lại, họ đã sáng tác thêm nhiều bài chiêng mới như “Kông tar” (Chong chóng quay), “Pliêr” (Mưa đá) dựa trên vốn âm nhạc dân gian Êđê truyền thống. Trong những lần biểu diễn tại nhiều nước châu Âu, cả hai bài chiêng mới ấy đã thật sự cuốn hút mạnh mẽ, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng công chúng thưởng thức. Vào năm 2016, Ủy ban Âm nhạc châu Á - Thái Bình Dương đã chọn những tác phẩm này làm tư liệu lưu trữ cho dòng âm nhạc dân gian trong khu vực, phục vụ mục đích nghiên cứu, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của nhân loại.
Sáng tạo để trường tồn
Đến nay, các nghệ nhân buôn Kô Siêr tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo thêm những bài chiêng mới: “Ching ngàn mưa đá”, “Lời của gió, lời của Bazan”, “Ngân nga nhà dài”, “Chiều trên bến nước”… nhằm mở rộng biên độ lan tỏa cho di sản tiêu biểu này. Hơn thế, theo nghệ nhân Y Míp Ayun là để phục vụ thiết thực và gần gũi nhu cầu hưởng thụ văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số tại chỗ nói riêng và xã hội nói chung.
Những tác phẩm mới này hiện đang được các thành viên trong đội chiêng nổi tiếng trên truyền dạy cho nhiều đội chiêng trẻ trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột: buôn Ea Bông, Dhă Prong (xã Cư Êbur), Ko Tam (xã Ea Tu), Akô Dhông (phường Tân Lợi), buôn Ky (phường Thành Nhất)… và nhiều vùng lân cận khác như Cư Kuin, Krông Pắc, Cư M’gar, Buôn Đôn nhằm tiếp thêm sức sống cho văn hóa cồng chiêng hôm nay. Nghệ nhân, kiêm “ông bầu” Đội văn nghệ hát múa dân gian buôn Ea Bông – Y Thim Byă cho rằng, tại đây những nghệ nhân trẻ đã kế thừa, sáng tạo thêm một cách xuất sắc để mưu cầu đời sống cho gia đình, cộng đồng mình ngày càng no ấm, hạnh phúc hơn thông qua hoạt động du lịch, trình diễn và giao lưu văn hóa với các vùng miền khác trong cả nước và quốc tế.
Có thể nói cồng chiêng ở đây đã đi qua một thời “sống trong cảnh khắc khoải, mong manh” vì bị chính chủ nhân của nó xa rời do nhiều nguyên nhân - hoặc là chịu những tác động tiêu cực từ đời sống hiện đại lấn lướt, hoặc là giá trị văn hóa cồng chiêng trong nhận thức đời sống của các tộc người bị phai lạt, khiến di sản này tưởng chừng biến mất (!). Giờ đây mọi chuyện đã khác, cồng chiêng dần trở lại, gắn bó và hiện diện sinh động trong đời sống mỗi người, mỗi cộng đồng dân tộc thiểu số tại chỗ nhờ chức năng biểu hiện cảm xúc và hình tượng nghệ thuật của di sản này mang lại.
(Còn nữa)
Đình Đối