Dẻo thơm gạo rẫy của người M'nông
Ngày đăng: 05/06/2020 18:31
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 05/06/2020 18:31
Đồng bào M’nông ở nam cao nguyên từ lâu đời đã gắn bó với tập quán canh tác nương rẫy. Gạo rẫy là nguồn lương thực chính để duy trì cuộc sống.
Đồng bào M’nông luôn bố trí kho lúa trên bếp lửa. Đây là cách thức bảo quản nông sản hiệu quả. Lửa giữ ấm và khói quyện lên để lúa không bị ẩm và bị mọt ăn. Khi nào lúa đã đầy kho trên bếp thì đồng bào làm thêm kho phụ ngoài nhà ở hoặc ngoài rẫy. Kho lúa phụ cũng phải có bếp lửa bên dưới và thường xuyên đỏ lửa để giữ hạt lúa không bị hư hại.
Những năm được mùa, kho lúa chính ở nhà cũng như kho lúa phụ ngoài rẫy đều đầy ắp, bảo đảm ăn đến mùa giáp hạt. Lúc trời được nắng, đồng bào lấy ít lúa trong kho ra phơi thật khô để khi giã không bị nát gãy hạt gạo. Mỗi buổi sớm, trước khi đi làm rẫy, người phụ nữ thường dậy sớm để giã gạo. Giã một cối lúa để nấu ăn mấy ngày hoặc giã thật nhiều cối lúa để dành ăn nhiều ngày lúc trời mưa gió. Đồng bào M’nông thường cất giữ gạo vừa giã vào các loại ché to, đậy nắp và dùng sáp ong trám kín miệng ché lại, không cho gió lọt vào để hạt gạo khỏi bị “mất chất”. Số gạo dùng để nấu ăn hằng ngày được cất vào quả bầu khô treo trên mái nhà.
Đồng bào M'nông có nhiều cách nấu khác nhau để cơm gạo rẫy thành món ăn thơm ngon, hấp dẫn. Cách nấu cổ điển nhất là nấu bằng ống tre, người M’nông gọi là prung. Người dân đi rừng không cần mang nồi, chỉ cần mang theo túi gạo và ít muối, kể cả quẹt lửa cũng không cần thiết phải đem theo. Ra ngoài rừng người ta dùng máng tre khô cò ra lửa để nhóm bếp. Sau đó người đi rừng chặt ống tre tươi làm nồi nấu cơm. Trước khi nấu, thường ngâm cho gạo mềm và sau đó cho vào ống, lấy lá chuối rừng nút lại và đặt trên bếp. Nấu cơm bằng ống tre không cần phải chắt nước. Vào dịp lễ hội, bà con thường nấu cơm ống tre và các món ăn đặc sản như thịt rừng, cá suối để đãi khách.
Cơm hong, hấp bằng nồi chõ là cách nấu khá phổ biến. Trước khi nấu, người ta cho gạo vào bầu ngâm trong nước một đêm rồi bắc nồi nước lên đun sôi sau đó kê bầu gạo vào hấp. Hơi nước bay lên luồn vào bầu gạo, nhờ hơi nóng làm cho bầu gạo phía trên chín. Cơm hấp ăn rất ngon, nhất là gạo nếp thì càng dẻo thơm. Trước đây khi chưa có nồi nhôm, nồi sắt, đồng bào cũng thường nấu cơm bằng nồi đất.
Gạo lúa rẫy còn được dùng để ủ rượu cần. Cơm nấu chín để nguội, trộn men rượu vào rồi cho vào ché. Trên miệng ché trám bằng sáp ong cho thật kín, phía dưới đáy ché và trên miệng ché được lót và phủ một lớp trấu để tạo sức nóng làm cho cơm mau lên men rượu. Rượu nấu bằng cơm gạo rẫy phải ủ trong ché ít nhất một tháng mới có thể uống được. Rượu ủ càng lâu, vài ba năm trở lên thì uống càng ngon.
Gạo lúa rẫy là nguồn lương thực gắn bó lâu đời với cuộc sống của đồng bào M’nông. Từ khi cây cà phê, cây tiêu phát triển, một số bon làng không còn canh tác nương rẫy nữa. Tuy nhiên, ở một số địa phương, ngoài trồng cây công nghiệp, đồng bào vẫn làm thêm vài khu rẫy nhỏ để trồng lúa, ngô. Gạo rẫy còn gọi là "gạo đỏ" vì có màu nâu đỏ, còn giữ nguyên lớp cám trở thành đặc sản được nhiều người ưa chuộng. Trong các lễ hội truyền thống ở bon làng M’nông, gạo rẫy, "cơm đồng bào" là món ăn không thể thiếu trong thành phần ẩm thực mang hương vị núi rừng.
Tấn Vịnh