Thác Sơn Long nên thơ và kỳ vĩ
Ngày đăng: 06/06/2020 18:42
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 06/06/2020 18:42
Di tích danh lam thắng cảnh thác Sơn Long nằm trên địa bàn xã Ea Tam (huyện Krông Năng) không chỉ có cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, chứa đựng tiềm năng du lịch sinh thái hấp dẫn mà ẩn sau đó là những câu chuyện truyền thuyết thú vị.
Về thác Sơn Long nghe truyền thuyết
Tên gọi thác Sơn Long dựa theo câu chuyện của đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc đang sinh sống tại xã Ea Tam (huyện Krông Năng). Theo đó, quan niệm của đồng bào Tày – Nùng thì con rồng được gọi là “Luồng hoa”, là biểu tượng cao đẹp, nhân văn. Tuy nhiên, có nhiều con rồng thì ỷ lại không nhả nước (lai luồng nhỉnh nặm) sẽ không còn mây mà sống và sẽ trở thành rồng thất thế biến thành rắn (Luồng thất rí piên ngù thằng thôi). Điều này nhắc nhở mọi người phải sống thật chí lý, cao đẹp như con rồng, đặc biệt phải biết giữ mình để không biến chất thành rắn độc như rồng khi bị thất thế.
Chính bởi quan niệm ấy nên đồng bào các dân tộc từ các tỉnh miền Bắc đi xây dựng kinh tế mới, khi thấy tại vùng đất Krông Năng có một dòng thác đẹp tựa như một con rồng nhỏ, đang nằm ẩn thân giữa núi cao thì tin rằng, đây là rồng nhỏ được Long Vương ở biển cả xa xôi cử lên coi giữ vùng thác xã Ea Tam với trách nhiệm tạo mưa thuận, gió hòa cho vùng đất này. Do đó, họ chọn nơi đây để sinh sống, lập nghiệp và gọi tên dòng thác nơi có rồng nhỏ cư trú là thác Sơn Long. Những người già luôn nhắc nhở con cháu phải sống tốt, yêu thương, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau giống như phẩm chất tốt đẹp của rồng. Đồng thời luôn tôn kính, bảo vệ thác Sơn Long để cho rồng nhỏ muôn đời cư ngụ, mang đến cuộc sống no đủ cho vùng đất và con người nơi đây.
Ngoài ra, thác còn có tên là Drai H’Juh gắn với một truyền thuyết hấp dẫn không kém của người Êđê. Các già làng ở buôn Wiâo, buôn Ur (thị trấn Krông Năng, huyện Krông Năng) kể lại rằng: Ngày xửa ngày xưa, khi mà các vị thần còn quản vùng trời, sông núi và các tù trưởng còn cai quản các vùng đất, buôn làng thì ngay tại dòng thác nọ (ở xã Ea Tam, huyện Krông Năng ngày nay) lại được cai quản bởi một nữ hoàng xinh đẹp, giỏi giang tên là H’Juh. Không chỉ đẹp, nàng còn rất tốt bụng, thường giả thành thường dân để trò chuyện với các già làng. Mỗi khi bị hạn hán, dân làng ở các buôn lại đến Drai H’Juh cầu xin nữ hoàng ban mưa. Nghe lời khấn, nàng sẽ điều khiển nước ở các tầng thác chảy vào các dòng suối, ruộng nương của đồng bào, giúp mọi người có nguồn nước dồi dào để tưới tiêu ruộng vườn, cây trái tươi tốt, mùa màng bội thu, đem lại cuộc sống ấm no hạnh phúc. Ngoài ra, nàng còn giúp đỡ những người bị lạc trong rừng, cứu người chết đuối ở sông, suối, dòng thác trở về… Tất cả những việc nữ hoàng giúp đỡ mọi người đều được dân làng vô cùng biết ơn, tin yêu và kính trọng. Vì thế, tên của nữ hoàng được dùng để đặt cho dòng thác nơi nàng cư ngụ là Drai H’Juh. Tuy nhiên, tên gọi này hiện nay ít người biết đến bởi đồng bào Êđê khi xưa sinh sống gần dòng thác hầu như đã di tản nhiều nơi.
Truyền thuyết về thác Sơn Long tuy chỉ là những câu chuyện được truyền miệng qua các thế hệ, nhưng lại mang ý nghĩa nhân văn cao cả, hướng con người đến những đức tính tốt đẹp.
Tiềm năng du lịch sinh thái
Ngoài cảnh quan thiên nhiên nên thơ và kỳ vĩ, thác Sơn Long còn thuộc lâm phần của Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng, với diện tích quy hoạch 20 ha nên hệ thực vật ở hai bên dòng thác rất phong phú, đa dạng. Xung quanh thác còn có những điểm đến hấp dẫn như làng Quảng Hòa (thôn Tam Điền), nơi này vẫn giữ nguyên vẹn những nét sinh hoạt truyền thống như ở nhà sàn bốn mái, mặc trang phục thổ cẩm truyền thống của người Nùng An (Cao Bằng) hay các nếp sinh hoạt văn hóa, tâm linh… Với những đặc điểm riêng có, đây là ngôi làng rất phù hợp để phát triển điểm du lịch văn hóa cộng đồng, tìm hiểu nét văn hóa độc đáo trong Lễ hội Văn hóa dân gian Việt Bắc được tổ chức thường niên vào tháng Giêng âm lịch ở xã Ea Tam, kết hợp khám phá thác Thủy Tiên (đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích quốc gia vào năm 2009)… Tất cả những điểm đó cùng với thác Sơn Long có thể tạo thành một tuyến du lịch bao gồm: du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái, mạo hiểm hấp dẫn của Krông Năng nói riêng và Đắk Lắk nói chung.
Theo bà La Bế Thủy Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tam, để làm được điều này cần phải thực hiện rất nhiều việc như: lập hồ sơ khoa học trình cấp có thẩm quyền ra quyết định xếp hạng di tích cho danh thắng thác Sơn Long; bảo vệ vành đai, cảnh quan của di tích, nhất là bảo vệ môi trường, tránh gây ô nhiễm nguồn nước. Đồng thời, tổ chức các đợt tuyên truyền sâu rộng đến từng cá nhân và tập thể về ý thức bảo vệ cảnh quan, môi trường, tránh chặt phá cây cối xung quanh thác và lấn chiếm di tích; đầu tư vào một số công trình, dịch vụ giải trí phục vụ khách tham quan mà không làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường của di tích. Đặc biệt là cần nâng cấp tuyến đường từ trung tâm xã vào thác thì mới có thể phát triển được tiềm năng du lịch. Bên cạnh đó, chuẩn bị cho được nguồn nhân lực có trình độ, nhiệt huyết và lòng đam mê, trang bị cho họ và người dân trong vùng kiến thức, kỹ năng làm du lịch, nhất là ý thức trách nhiệm phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững.
Theo “Đề án phát triển du lịch huyện Krông Năng giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2030", chính quyền địa phương đã đưa thác Sơn Long trở thành một trong những điểm quy hoạch của huyện và đang tập trung kêu gọi các nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng du lịch, đặc biệt là hệ thống giao thông đường bộ...
|
Ánh Ngọc