Kích cầu du lịch bằng đường hàng không: Cần những cái "bắt tay" ăn ý
Ngày đăng: 13/06/2020 19:18
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 13/06/2020 19:18
Mới đây, tại một chương trình hội thảo giới thiệu đường bay mới và kích cầu du lịch, đại diện một hãng hàng không nhận định, Đắk Lắk có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch và giao thông bằng hàng không.
Tuy nhiên, hiện nay giữa ngành hàng không với các đơn vị làm du lịch vẫn chưa tạo được mối quan hệ khăng khít nên chưa thu hút được khách đoàn di chuyển bằng máy bay.
Hiện nay, nhiều hãng hàng không đã mở đường bay kết nối giữa Buôn Ma Thuột với các thành phố lớn trong cả nước, trong đó có một số đường bay lớn như: Buôn Ma Thuột – Hà Nội; Buôn Ma Thuột – TP. Hồ Chí Minh; Buôn Ma Thuột – Vinh…
Việc kết nối giữa các hãng hàng không với đơn vị làm du lịch ở những chặng bay này cơ bản ổn định, lượng khách nhiều. Nhằm mở rộng hành trình đến mọi miền đất nước, thời gian gần đây, nhiều đường bay mới liên tục được các hãng hàng không mở. Đơn cử, Vietnam Airlines mở thêm đường bay Buôn Ma Thuột – Vinh, Buôn Ma Thuột – Cần Thơ, Buôn Ma Thuột – Thanh Hóa, Buôn Ma Thuột – Hải Phòng… bắt đầu khai thác từ trung tuần tháng 5 đến cuối tháng 6 năm nay. Tuy nhiên, một số đường bay mới của hãng đã và đang khai thác như Buôn Ma Thuột – Vinh, Buôn Ma Thuột – Thanh Hóa đến thời điểm hiện tại hầu như chưa có kết nối tour giữa hãng với các công ty du lịch, chủ yếu vẫn khách lẻ đi lại.
Hãng Vietjet Air cũng vừa có kế hoạch mở đường bay Buôn Ma Thuột – Đà Nẵng vào cuối tháng 6 này với mục đích phục vụ nhu cầu đi lại, đẩy mạnh hoạt động du lịch giữa Đắk Lắk với các tỉnh Nam Trung Bộ như Đà Nẵng, Quảng Nam. Hiện nay hãng đã mở bán vé trên hệ thống đại lý và website, nhưng lượng khách mua vé đa phần là khách lẻ chứ không có tour theo đoàn.
Theo ý kiến của đại diện một số đơn vị du lịch trên địa bàn tỉnh, vé máy bay theo đoàn được các hãng hàng không bán như mức giá đối với khách lẻ, thậm chí có thời điểm cao hơn nên khó thu hút khách. Đặc biệt, đối với hành trình ngắn như Buôn Ma Thuột – Đà Nẵng, ngoài di chuyển bằng hàng không, hành khách có thể lựa chọn xe ô tô, giá cả “mềm” hơn nhiều. Chưa kể, với những chuyến bay bị chậm trễ hoặc hoãn chuyến mặc dù có chính sách hỗ trợ, nhưng không đủ để đơn vị làm du lịch bù các chi phí phát sinh do chương trình theo tour bị thay đổi. Mặt khác, những chuyến bay như vậy gây khó chịu cho du khách, thậm chí dẫn đến hủy tour do không đúng lịch trình.
Ngoài những chính sách ưu tiên khách đoàn như giữ chỗ trong thời gian lâu, chuyến bay thay đổi sẽ được hỗ trợ toàn bộ, ưu tiên về hành lý... của ngành hàng không, đơn vị làm du lịch mong muốn các hãng cần có thêm ưu đãi giá vé theo đoàn để “kéo” khách lựa chọn tour bằng máy bay. Việc kết hợp các gói ưu đãi giữa hàng không với ngành du lịch trong giai đoạn hiện nay là hết sức cần thiết, góp phần phục hồi lại hoạt động của hai ngành sau thời gian bị tác động mạnh bởi dịch Covid-19. Do đó cần sự phối hợp nhịp nhàng, ăn ý từ hai phía. Về lâu dài, sự kết hợp này sẽ góp phần đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng của vận tải hàng không và du lịch ở Đắk Lắk nói riêng, cả nước nói chung.
Hoàng Tuyết
Báo Đắk Lắk