Tục rào làng của người M'nông xưa
Ngày đăng: 26/06/2020 10:03
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 26/06/2020 10:03
Ngày xưa, giữa các bon làng M’nông có sự biệt lập, việc rào làng, bố phòng giữ gìn an ninh, bảo vệ cuộc sống dân làng trở thành tập quán lâu đời của đồng bào.
Mỗi khi xây dựng làng mới, cất nhà xong là bà con tiến hành rào làng, làm cổng ngõ rất kiên cố. Hàng rào xung quanh làng không chỉ để bảo vệ cuộc sống dân làng mà còn là dấu hiệu phân định giới mốc, địa vực cư trú, sở hữu đất đai của gia đình, tộc họ và của cả buôn làng, dấu hiệu thông báo điều kiêng cữ, cấm người ngoài vào làng khi gặp những biến cố như dịch bệnh.
Hàng rào, cổng làng được làm bằng tre nứa, cây rừng nhỏ hoặc trồng tre gai. Hàng rào có chừa những lối đi vào làng và ra rừng, lên rẫy. Hằng năm vào cuối vụ mùa, nông nhàn, mọi người tập trung tu sửa, gia cố những chỗ bị hư hỏng. Các lối đi đều làm cửa chắn và giương cung, cắm chông, đặt bẫy gai mây, gai tre bảo vệ. Mỗi buổi tối, thanh niên trai tráng được già làng cắt cử thành từng nhóm tuần tra, canh gác quanh làng. Trong sử thi M’nông có nói về những cuộc đánh cướp giữa các làng, những kẻ xấu từ nơi khác đến cướp tài sản trong làng. Hàng rào, cổng ngõ kiên cố là một cách bố phòng từ xưa để bảo vệ dân làng. Trong sử thi mô tả bon làng của người M’nông cứng như hang đá: “Bon trôm lu Briăng su mâu geh/Bon trôm lu Briăng sa mâu geh/Bon trôm lu kla vách mâu geh” (Dịch nghĩa: “Bon hang đá Briăng (quái vật) mổ không ra/Bon hang đá Briăng ăn không được/Bon hang đá cọp vồ không được”).
Người M’nông có nhiều tục lệ kiêng cữ liên quan đến việc rào làng. Trước đây, đồng bào lo ngại nhất là thú rừng, nếu rào làng không kỹ thì thú rừng sẽ vào làng. Đàn voi rừng vào rẫy ăn chuối, ăn mía thì không kiêng cữ, nhưng chúng vào làng ăn bụi chuối, bụi mía hoặc phá nhà cửa là điều chẳng lành, báo hiệu làng sắp bị nguy ngập. Khi voi rừng vào làng, đồng bào phải cúng phòng tai nạn, rủi ro. Những lúc bất ổn, thanh niên trai tráng trong làng lúc nào cũng sẵn sàng ứng phó, luôn bên mình chiếc ná, gùi tên, dao gươm và lao, nhất là vào lúc ban đêm, họ thay phiên nhau tuần tiễu canh gác phía ngoài hàng rào. Mỗi làng đều có một cái trống to, nghe tiếng trống cả làng phải chạy lánh nạn. Mỗi người đều có chiếc tù và để báo hiệu khi đang ở cách xa cái trống.
Hằng năm tu sửa rào xong, đồng bào M’nông phải làm lễ cúng rào. Lễ vật cúng thần rào là một con trâu và một rượu ché rlung. Tất cả thành viên trong làng, từ thanh niên nam nữ, đến ông già bà lão đều phải có mặt đông đủ. Vừa uống rượu cần, các già làng vừa giáo dục và dặn dò con cháu quan tâm đến việc bố phòng, bảo vệ buôn làng, đề cao cảnh giác, phòng kẻ xấu đến cướp phá buôn làng. Người nào che giấu hoặc giúp kẻ xấu phá hoại buôn làng sẽ bị xử phạt nghiêm minh theo luật tục. Ngày cúng rào làng, các trai tráng thi thố tài năng như: bắn ná, phóng lao, nhảy hàng rào, vật nhau rất vui nhộn. Nhạc cồng chiêng hoà với nhạc trống và tù và rộn rã.
Bên cạnh lễ cúng rào, người M’nông còn có lẽ cúng ngõ. Lễ cúng thường tổ chức vào tháng 3 âm lịch hằng năm tức là vào cuối mùa nắng, đầu mùa mưa. Lễ cúng ngõ thường được tổ chức khi có hiện tượng mưa gió, sấm sét. Trong đời sống tâm linh, người M’nông sợ nhất ba vị thần: thần Djut (gió bão), thần Ndu (sấm sét) và thần Krăch (mưa đá). Theo đồng bào, đây là ba vị thần hung ác, đi đến đâu là gây tai họa cho người đến đó. Theo truyền thuyết dân gian, giữa ba vị thần này đã có thù nghịch, hiềm khích nhau từ thuở khai sơn lập địa; lúc nào họ gặp nhau là khiêu chiến, gây sự. Các thần đánh đuổi nhau đến đâu thì xảy ra mưa bão, sấm sét đến đó. Mải lo chạy trốn, không có cơm ăn, đói bụng, các thần buộc phải ghé xuống trần gian xin cơm lót dạ. Thần ghé làng nào là làng đó bị tai họa, xảy ra mưa gió bão bùng, sét đánh tơi bời. Vì vậy, người M’nông không muốn cho ba thần này đi qua làng của mình nên phải cúng để thần chạy trốn đi nơi khác.
Phong tục rào làng gắn bó với tập quán cư trú, đời sống văn hóa của đồng bào M’nông. Đây là cách thức thích ứng của đồng bào để duy trì cuộc sống bình yên, an toàn trước rủi ro địch họa, thiên tai. Ngày nay, những bờ rào quanh các bon làng không còn nữa.
Tấn Vịnh