Buôn trong phố bao giờ trở lại… ngày xưa !
Ngày đăng: 02/06/2020 10:09
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 02/06/2020 10:09
“Cơn lốc” đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ đã nhanh chóng đẩy các buôn làng người dân tộc thiểu số tại chỗ ở TP. Buôn Ma Thuột lùi xa, hoặc thay đổi một cách đáng kinh ngạc. Nhiều người cho rằng, chỉ cần không đến đó trong thời gian ngắn sẽ không nhận ra gương mặt vốn rất đặc sắc của nó nữa.
Chỉ còn hoài niệm
Nhà dài và bến nước là hai sinh thể quan trọng, tiêu biểu để tạo nên không gian buôn làng truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, nhưng đến nay những sinh thể kia - hoặc đã biến mất, hoặc hư hại và xuống cấp nghiêm trọng.
Theo khảo sát, thống kê của Phòng VH-TT TP. Buôn Ma Thuột, trên địa bàn hiện còn khoảng 220 nhà dài và 29 bến nước truyền thống. Trong số đó có gần 2/3 không thể sử dụng được nữa, muốn sử dụng thì phải đầu tư, tôn tạo lại. Thực trạng này khiến không gian sinh hoạt (và cũng là không gian lịch sử - văn hóa) của các cộng đồng người dân tộc thiểu số ở đây trở nên nhạt nhòa. Ông Võ Tiến Dũng, Trưởng Phòng VH-TT TP. Buôn Ma Thuột cho rằng, nguyên nhân thì nhiều, nhưng tựu chung lại là do tốc độ đô thị hóa diễn ra tại nhiều buôn làng quá mau lẹ, đến mức không thể kiểm soát nổi.
Nhiều buôn làng đẹp và yên bình một thời như Kô Siêr, Păl Lăm (phường Tân Lập); Kô Tam (phường Tân Hòa); Akô Dhông, Dhắp Rông (phường Tân Lợi); Alê A, Alê B (phường Ea Tam); Ea Nao, Kmrơng Prông B, buôn Jù (xã Ea Tu); buôn Bông, buôn H’Dơh (xã Cư Êbur) - nay đã thay đổi quá nhiều do đời sống hiện đại tác động và chi phối.
Akô Dhông là một trong số ít buôn đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Buôn Ma Thuột còn giữ được nhiều ngôi nhà dài. Ảnh: Hoàng Gia |
Bà H’Triệu Kđoh, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tu chia sẻ: Trước đây chừng hai mươi năm, bất kỳ ai vào thăm các buôn này đều nhận thấy vườn tược, cây cối và đặc biệt là những ngôi nhà dài truyền thống gắn bó mật thiết với dòng suối, bến nước, rừng đầu nguồn được giữ gìn khá nguyên vẹn - nhờ vậy, nó không những làm nên nét đặc trưng và độc đáo cho đô thị miền núi này, mà còn góp phần kiến tạo hệ sinh cảnh có giá trị, phục vụ đời sống sinh hoạt và sinh kế cho người dân tại chỗ. Giờ đây, những yếu tố quan trọng trên - vì nhiều lý do khác nhau, tiếp tục bị xâm hại, phá bỏ để nhường chỗ cho những nhu cầu hiện đại nảy sinh, khiến không gian buôn làng không ngừng biến dạng và ngày càng trở nên bức bối.
Kỳ vọng hướng đi mới
Ngày 8-12-2017, UBND TP. Buôn Ma Thuột ra Quyết định số 7919/QĐ-UBND về việc xây dựng và thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy vốn văn hóa các cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn, giai đoạn 2017 – 2020 và định hướng đến năm 2030" với gần 20 nội dung, hạng mục cấp thiết; trong đó có mục tiêu khôi phục, bảo tồn nhà dài, bến nước truyền thống cùng thiết chế văn hóa tại 33 buôn làng người dân tộc thiểu số tại chỗ nhằm từng bước khắc phục tình trạng như đã nêu.
Trước mắt, thành phố chọn 3 buôn: Akô Dhông (phường Tân Lợi), Kmrơng Prông B (xã Ea Tu) và buôn Buôr (xã Hòa Khánh) để hỗ trợ cho cộng đồng người Êđê ở đây đầu tư xây dựng điểm đến du lịch cộng đồng. Từ mô hình điểm này, chính quyền địa phương sẽ khảo sát, đánh giá hiệu quả mang lại nhằm nhân rộng đến nhiều buôn làng khác. Qua đó tạo nội lực thật sự cho mỗi cộng đồng dân tộc tự thân gìn giữ, bảo tồn vốn văn hóa của mình. (Theo Đề án Phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, giai đoạn 2020 - 2025) |
Tuy nhiên, nói như ông Võ Tiến Dũng, Trưởng Phòng VH-TT TP. Buôn Ma Thuột, do eo hẹp kinh phí nên kết quả đem lại còn quá khiêm tốn. Từ năm 2017 đến nay, trong số 220 nhà dài được khảo sát, chính quyền thành phố chỉ chọn 5 nhà dài và 6 bến nước ở các buôn Akô Dhông, buôn Tuôr, buôn Kmrơng Prông B và buôn Kô Tam để hỗ trợ kinh phí tu sửa và nâng cấp với số tiền chưa tới 3 tỷ đồng. Còn lại hơn 150 nhà dài, 23 bến nước có nhu cầu tôn tạo, nâng cấp vẫn chưa tìm được nguồn kinh phí đáp ứng. Theo ông Dũng, để tái tạo lại “cơ thể” lành lặn cho các buôn làng truyền thống như xưa, nguồn kinh phí đầu tư là rất lớn, chứ không khiêm tốn là 14,2 tỷ đồng như dự án trên phân bổ. Có thể nói số kinh phí này được xem như “muối bỏ bể” so với yêu cầu (đồng thời là ước vọng) bảo tồn văn hóa nói chung của cộng đồng các dân tộc thiểu số ở đây.
Hầu hết các nhà dài ở 6 buôn xã Ea Tu - TP. Buôn Ma Thuột đều hư hỏng, xuống cấp cần được đầu tư, sửa chữa. |
Mới đây, đầu tháng 4-2020, TP. Buôn Ma Thuột xây dựng Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch cộng đồng tại các buôn làng người dân tộc thiểu số trình HĐND tỉnh thông qua nhằm có giải pháp, cơ hội cho đồng bào vừa bảo đảm sinh kế, vừa góp phần bảo tồn vốn văn hóa của mình. Trong đó Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần đáng kể cho hộ dân và cộng đồng có nhu cầu làm du lịch (đầu tư cơ sở hạ tầng như nhà dài, bến nước, rừng đầu nguồn và cảnh quan môi trường tại chỗ) để thu hút du khách. Theo ông Dũng, đây cũng là hướng đi phù hợp và bền vững để chỉnh trang, tôn tạo lại không gian lịch sử - văn hóa cho buôn làng trong bối cảnh hiện nay.