Tín hiệu lạc quan cho du lịch khi đại dịch tạm lắng
Ngày đăng: 03/07/2020 12:10
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 03/07/2020 12:10
Hầu hết các đơn vị làm du lịch đều tham gia chương trình kích cầu; công tác xúc tiến, quảng bá du lịch cũng được triển khai mạnh mẽ và tích cực; theo đó, chính quyền địa phương cùng các các cơ quan, đơn vị liên quan nhanh chóng có giải pháp hỗ trợ kịp thời… được coi là những tín hiệu lạc quan giúp du lịch Đắk Lắk phục hồi và tăng tốc sau dịch Covid-19.
Sự vào cuộc đồng bộ
Đầu tháng 5 vừa qua, khi dịch Covid-19 lắng xuống, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) đã tham mưu cho UBND tỉnh phát động chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” với sự vào cuộc của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan.
Du khách tham quan Khu du lịch Troh Bư (huyện Buôn Đôn). Ảnh: Hoàng Gia |
Đầu tiên phải kể đến là các doanh nghiệp kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh - một mặt họ nỗ lực xây dựng và hoàn thiện hơn sản phẩm du lịch của mình theo hướng đặc thù và chất lượng hơn; mặt khác tìm cách tung ra những gói kích cầu du lịch giá rẻ để thu hút du khách trong từng tour - tuyến và điểm đến với phương châm: an toàn, trách nhiệm và thân thiện trong bối cảnh “hậu Covid-19”. Tiếp đó, Liên minh Kích cầu du lịch Đắk Lắk được thành lập, thu hút 34 đơn vị làm du lịch tham gia, cùng nhau đưa ra biện pháp kích cầu đồng bộ và thống nhất như: giảm giá lưu trú 20 - 50%, giảm giá vé tham quan 20 - 100%, giảm phí vận chuyển 8 - 30%... cho du khách từ tháng 5 đến hết quý III - 2020.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh
|
Tiếp đến, Sở VH-TT&DL phối hợp với Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá và liên kết phát triển “ngành công nghiệp không khói” của địa phương đến nhiều tỉnh, thành trong khu vực Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên và cả nước nhằm thu hút khách trở lại. Ông Lê Minh Hảo, Phó Phòng Quản lý du lịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk cho biết: Từ cuối tháng 5 đến trung tuần tháng 6 - 2020 đã có ít nhất 5 cuộc gặp gỡ, trao đổi, ký kết và hợp tác phát triển du lịch giữa Đắk Lắk với các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Khánh Hòa, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ. Tại đây, các bên tham gia - từ cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cho đến các chuyên gia, nhà tài trợ chương trình kích cầu du lịch Việt Nam nói chung và từng địa phương nói riêng đã đưa ra giải pháp cụ thể, hữu hiệu để vực dậy ngành kinh tế quan trọng này.
Bước chuyển biến tích cực
Theo ông Lê Minh Hảo, hầu hết các đơn vị làm du lịch tỉnh nhà sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của du khách ở cả hai chiều (đưa - đón) từ các tỉnh thành nói trên đến Đắk Lắk và ngược lại, tạo không gian liên minh, kích cầu rộng lớn, thường xuyên và có chiều sâu hơn trên bình diện: thời gian, sản phẩm, dịch vụ, cơ sở lưu trú cũng như việc xây dựng, phân khúc thị trường du lịch trong bối cảnh hiện nay.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển du lịch Đắk Lắk H’Yim Kđoh cho rằng vấn đề trên là hoàn toàn khả thi, bởi du lịch ở đây đang được các ngành kinh tế khác đồng hành, chia sẻ qua các sự kiện. Mới đây, Hãng Hàng không Vietnam Airlines đã khai trương 2 đường bay mới nối Buôn Ma Thuột với Cần Thơ và Hải Phòng, giúp mở ra cơ hội cho du lịch ở vùng đất giàu bản sắc này phục hồi, phát triển nhanh và bền vững hơn.
Bảo tàng Thế giới cà phê (TP. Buôn Ma Thuột) đã thu hút du khách trở lại. |
Phải nói rằng, những “cú hích” trên đã giúp du lịch Đắk Lắk gây dựng lại vị thế, có bước tăng trưởng đáng ghi nhận. Theo Phòng Quản lý du lịch (Sở VH-TT&DL), trong hai tháng 5 và 6, lượng khách du lịch đến Đắk Lắk không ngừng tăng, đạt hơn 142.000 lượt, doanh thu gần 300 tỷ đồng.
Con số này bằng 4 tháng đầu năm cộng lại - và hơn thế, theo ông Võ Văn Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk, đó là thành quả đạt được sau nhiều nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp làm du lịch, cũng như sự vào cuộc đầy quyết tâm của chính quyền cùng ban, ngành chức năng. Đến nay, du lịch Đắk Lắk đã thật sự có chuyển biến tích cực, nhất là sự gắn kết, chia sẻ cùng nhau trong việc thông tin quảng bá điểm đến, dịch vụ du lịch tại địa phương dưới sự hỗ trợ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Phương Đình