Phát huy sức mạnh nội lực từ bài học của Cách mạng Tháng Tám
Ngày đăng: 19/08/2020 08:05
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 19/08/2020 08:05
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là một trong những chiến công vẻ vang nhất, tạo ra bước ngoặt vĩ đại cho cách mạng Việt Nam. Kể từ đây, dân tộc Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập, tự do gắn liền với chủ nghĩa xã hội; nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình; Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành chính Đảng lãnh đạo chính quyền. Những thành quả cách mạng to lớn do Cách mạng Tháng Tám đem lại đã tạo ra những điều kiện đặc biệt quan trọng để nhân dân Việt Nam bước tiếp và giành nhiều thắng lợi quan trọng có ý nghĩa lịch sử trong cuộc trường chinh đầy gian khổ nhưng hết sức oanh liệt vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội suốt 75 năm qua.
1. SỨC MẠNH NỘI LỰC - YẾU TỐ QUYẾT ĐỊNH LÀM NÊN THẮNG LỢI CÁCH MẠNG THÁNG TÁM NĂM 1945
Trong tất cả các thời kỳ cách mạng, Đảng Cộng sản Việt Nam đã chủ trương kết hợp sức mạnh nội lực với sức mạnh ngoại lực để tạo nên sức mạnh tổng hợp nhằm giải phóng dân tộc, xây dựng một nước Việt Nam độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong sức mạnh được tập hợp đó, sức mạnh nội lực bao giờ cũng có tính quyết định, còn sức mạnh ngoại lực là rất quan trọng.
Với tinh thần “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”(1) khi thời cơ đến vào giữa tháng 8 năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sức mạnh nội lực của hơn 20 triệu người dân Việt Nam đã được phát huy. Chỉ trong vòng nửa tháng, đã làm nên thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám, giành chính quyền về tay nhân dân trên phạm vi cả nước.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã tạo nên bài học quý báu về phát huy sức mạnh nội lực. Trước hết, thông qua phát huy sức mạnh nội lực từ sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Quá trình đó, nhờ đoàn kết thống nhất, Đảng đã phát huy trí tuệ, xác định đường lối chính trị đúng đắn; thường xuyên làm tốt công tác tư tưởng và xây dựng Đảng vững mạnh về tư tưởng; tăng cường công tác xây dựng hệ thống tổ chức Đảng từ “thành thị đến thôn quê” và tổ chức thực hiện cương lĩnh, đường lối, chủ trương chính sách của Đảng để bảo đảm cho Đảng luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đảng đặc biệt quan tâm xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong Đảng, phấn đấu cho hàng ngũ của Đảng “muôn nghìn người cố kết như một”, toàn Đảng thành “một ý chí duy nhất và một mà thôi”. Đồng thời, luôn cảnh giác đề phòng nghiêm ngặt và kiên quyết loại ra khỏi Đảng những phần tử giả danh cộng sản chui vào Đảng để phá hoại. Đảng không ngừng chăm lo xây đắp mối liên hệ giữa Đảng với quần chúng, thông qua gắn lợi ích thiết thân của quần chúng với lợi ích chung của cách mạng; tập hợp quần chúng trong các tổ chức của mặt trận. Cán bộ, đảng viên hòa mình, lăn lộn trong phong trào cách mạng, chịu đựng hy sinh gian khổ, luôn tiên phong gương mẫu cho quần chúng cách mạng noi theo. Chính vì thế, chỉ với 5.000 đảng viên, Đảng không chỉ phát huy sức mạnh to lớn của một tổ chức Mácxit chân chính mà còn tập hợp, huy động được sức mạnh nội lực của toàn dân tộc trong Mặt trận Việt Minh tạo sức mạnh như nước vỡ bờ, triều dâng sóng dềnh biển cả, nhấn chìm bè lũ cướp nước và bán nước.
Cùng với phát huy sức mạnh nội lực từ sức mạnh của khối đoàn kết thống nhất trong Đảng, sức mạnh nội lực của Cách mạng Tháng Tám còn được phát huy cao độ từ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đảng biết tin dân, dựa vào dân, hiểu thấu dân tâm, quy tụ nhân tâm và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kết hợp hài hòa giữa ý Đảng với lòng dân. Với quan điểm “Cách mệnh thì phải đoàn kết dân chúng bị áp bức để đánh đổ cả cái giai cấp áp bức mình, chứ không phải chỉ nhờ 5, 7 người giết 2, 3 anh vua, 9, 10 anh quan mà được”(2) và “Dân khí mạnh thì quân lính nào, súng ống nào cũng không chống lại”(3), trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đảng xác định quyền lợi của bộ phận của giai cấp phải đặt dưới sự tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Vì thế, để đoàn kết sức mạnh của toàn dân tộc, tháng 5/1941, Mặt trận Việt Minh ra đời đã hướng tới việc mở rộng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, quy tụ và phát huy cao độ sức mạnh nội lực của dân tộc cho một cuộc hồi sinh vĩ đại. Kể từ đây, chủ trương đoàn kết toàn dân tộc của Đảng được đặt trên cơ sở của chính chủ nghĩa yêu nước Việt Nam và được thực hiện nhất quán trong công tác vận động quần chúng của Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mặt trận Việt Minh không chỉ làm cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc được mở rộng, củng cố không ngừng “đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”, mà còn là phương tiện nâng cao sức mạnh của khối đại đoàn kết ấy lên một tầm cao mới - Đại đoàn kết quy tụ dân tâm, có hệ tư tưởng, có tổ chức, có lãnh đạo để làm nên sức mạnh nội lực kỳ diệu quyết định tới sự thắng lợi nhanh chóng, triệt để trong Cách mạng Tháng Tám.
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là cuộc hồi sinh vĩ đại của một dân tộc biết nương tựa vào nhau, chung sức đồng lòng vì lẽ phải, lương tri và những giá trị làm người cơ bản mà giá trị số một là quyền được sống trong một quốc gia độc lập, có chủ quyền. |
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là kết quả tất yếu của sự phát huy cao độ sức mạnh nội lực từ các nguồn lực con người và của cải của chính nhân dân, nhằm giải phóng bản thân họ, để từ thân phận nô lệ, đói nghèo, trở thành người làm chủ. Đây là sự hội tụ các nguồn xung lực mạnh mẽ của toàn dân Việt Nam trong thời điểm quyết định sự sinh tồn của dân tộc.
2. PHÁT HUY SỨC MẠNH NỘI LỰC VÀO CÔNG CUỘC XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ TỔ QUỐC HIỆN NAY
Phát huy sức mạnh nội lực, bài học từ Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dân tộc Việt Nam đã giành được thắng lợi to lớn trong sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Đặc biệt, bằng sức mạnh nội lực to lớn, sau gần 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, từ một đất nước nghèo nàn, có cơ sở vật chất - kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội lạc hậu, trình độ thấp, đến nay Việt Nam đã vươn lên trở thành một nước đang phát triển, có thu nhập trung bình; văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có bước đột phá; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố; chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng - an ninh, độc lập, chủ quyền được giữ vững; vị thế và uy tín của đất nước ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.
Bằng tinh thần quảng giao trong quan hệ quốc tế theo tư tưởng Hồ Chí Minh “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”(4), Việt Nam chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đã có quan hệ với 189 nước và đã là thành viên của rất nhiều tổ chức hợp tác kinh tế khu vực và quốc tế. Việt Nam đã hai lần được bầu làm Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (2008-2009 và 2020-2021). Năm 2020, Việt Nam làm Chủ tịch luân phiên ASEAN và đến nay đã tham gia nhiều tổ chức và diễn đàn quốc tế, trở thành một thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Điều đáng chú ý là mới đây, chúng ta được Đại hội đồng Liên hợp quốc bầu với số phiếu tín nhiệm rất cao, gần như tuyệt đối, lần thứ hai trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. “Với những thành tựu to lớn đã đạt được, chúng ta có cơ sở để khẳng định rằng, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”(5). Đây là những thành quả tất yếu từ quá trình phát huy sức mạnh nội lực của cả dân tộc Việt Nam.
Bước vào thời kỳ mới, cùng với thành tựu đạt được, nước ta vẫn đối mặt nhiều thách thức. Nạn tham nhũng, tiêu cực còn tồn tại, khoảng cách giàu-nghèo, phân hóa xã hội ngày càng tăng, đạo đức xã hội có mặt xuống cấp, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, dịch bệnh diễn biến phức tạp, lĩnh vực y tế, giáo dục, giao thông… chưa phát triển như mong muốn. Việc xây dựng nền kinh tế bình đẳng giữa các thành phần còn gặp khó khăn, một số tập đoàn, công ty lớn của Nhà nước làm ăn thua lỗ ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của đất nước. Các thế lực thù địch đẩy mạnh hoạt động “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Đặc biệt, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ đã và đang đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ, làm suy giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc phát huy sức mạnh nội lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Để tiếp tục phát huy sức mạnh nội lực của dân tộc, tận dụng cơ hội, vượt qua nguy cơ, thách thức, Đảng nhấn mạnh phải khơi dậy tinh thần yêu nước, đây là một trong những giá trị, thuận lợi cơ bản để phát huy tối đa sức mạnh nội lực của dân tộc Việt Nam.
Đồng thời, phải nhận thức đúng và xử lý tốt các nhân tố tạo thành động lực tổng hợp để đổi mới và hội nhập, kết hợp hài hòa các lợi ích; phát huy lòng yêu nước, tinh thần dân tộc; phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và phát huy nhân tố con người. Quá trình đó, đòi hỏi tăng cường xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Theo đó, trước hết và trên hết là thực hiện nhiệm vụ “then chốt” xây dựng, chỉnh đốn Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng theo tinh thần Nghị quyết Ðại hội XII của Ðảng và Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4 khóa XII về Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Thực hiện quyết liệt cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Phải nhận thức đúng và xử lý tốt các nhân tố tạo thành động lực tổng hợp để đổi mới và hội nhập, kết hợp hài hòa các lợi ích; phát huy lòng yêu nước, tinh thần dân tộc; phát huy dân chủ, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và phát huy nhân tố con người. |
Đặc biệt coi trọng xây dựng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đổi mới chính sách giai cấp, chính sách xã hội, nhất là đổi mới, hoàn thiện chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo, chính sách đối với công nhân, nông dân, trí thức, với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, chính sách đối với các thành phần kinh tế, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nhằm huy động sức mạnh nội lực cho sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, trong đó chú trọng xây dựng lòng yêu nước, với mục tiêu đề cao tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, lương tâm, trách nhiệm của mỗi người với bản thân mình, với gia đình, cộng đồng, xã hội và đất nước.
Hơn nữa, trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, để khơi dậy và phát huy tối đa nội lực, trong chính sách đại đoàn kết phải chú ý phát huy tính năng động của mỗi người, mỗi bộ phận để mọi việc từ lãnh đạo, quản lý, đến sản xuất kinh doanh, học tập và lao động đều có năng suất, chất lượng, hiệu quả ngày càng cao. Đồng thời, phải khắc phục những mặt trái của kinh tế thị trường, nhất là tâm lý chạy theo đồng tiền, cạnh tranh không lành mạnh làm phai nhạt truyền thống đoàn kết, tình nghĩa tương thân, tương ái của dân tộc.
Cùng với các biện pháp trên, trong điều kiện thực hiện chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế, phát huy tối đa sức mạnh nội lực dân tộc còn đòi hỏi phải củng cố sự đoàn kết với phong trào cách mạng các nước trên thế giới. Thực hiện chính sách ngoại giao mềm dẻo, có nguyên tắc theo phương châm Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, vì hòa bình, hợp tác và phát triển… Thực hiện “thêm bạn bớt thù” trong hội nhập quốc tế, góp phần biến sức mạnh ngoại lực thành sức mạnh nội lực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Để phát huy sức mạnh nội lực phải xuất phát từ lợi ích dân tộc, từ phát huy nội lực dân tộc mà mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, tranh thủ mọi khả năng có thể tranh thủ được để xây dựng và bảo vệ đất nước. |
75 năm trôi qua, bài học phát huy sức mạnh nội lực trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã tồn tại với thời gian và chính thời gian đã làm cho giá trị lịch sử, giá trị hiện thực của bài học đó thêm sâu sắc và bền vững, tiếp tục toả sáng, định hướng cho việc phát huy cao độ sức mạnh nội lực của dân tộc Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay./.
Tạp chí Tuyên giáo