Giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở Ea Knuếc
Ngày đăng: 10/08/2020 14:11
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 10/08/2020 14:11
Theo thống kê sơ bộ của UBND xã Ea Knuếc (huyện Krông Pắc), toàn xã hiện có khoảng 200 khung dệt với khoảng 100 người biết dệt thổ cẩm, trong đó đa phần đều biết dệt nhờ các lớp dạy nghề.
Theo lời kể của người dân địa phương thì Ea Knuếc đã từng là cái nôi văn hóa, “trung tâm kinh tế" của người Êđê trên địa bàn nên đời sống văn hóa phong phú, đa dạng. Đặc biệt nghề dệt thổ cẩm rất phổ biến, gần như phụ nữ nào cũng biết dệt thổ cẩm nên nghề này được truyền từ đời này qua đời khác theo "mạch chảy" của gia đình, dòng họ. Tuy nhiên, hiện nay không gian văn hóa bị thu hẹp, nhu cầu sử dụng các sản phẩm truyền thống hạn chế khiến vấn đề bảo tồn văn hóa trở nên khó khăn. Đặc biệt, nhu cầu sử dụng các sản phẩm thổ cẩm giảm mạnh, người trẻ không còn mặn mà với nghề dệt đã và đang làm mai một nghề truyền thống này. Trong khi đó, giữa người biết dệt thổ cẩm và người muốn học trên địa bàn lại chưa có sự kết nối.
Bà H’Lát Êban (bên trái) giới thiệu tấm chăm thổ cẩm do mình tự dệt với khách tham quan. |
Trước thực tế đó, xã Ea Knuếc đã tổ chức các lớp dạy nghề dệt thổ cẩm giúp nhiều phụ nữ Êđê trên địa bàn có thể tiếp cận và duy trì nghề dệt. Bà H’Sen Niê (buôn Kréh) chia sẻ, mặc dù bà là người Êđê, nhưng lại không biết dệt thổ cẩm bởi mẹ và các chị, em gái của bà không biết dệt. Do đó dệt thổ cẩm vốn là điều gì đó rất khó đối với bà, bởi khi nhìn sản phẩm thổ cẩm rất phức tạp và quá trình dệt kỳ công, tỉ mỉ từng chi tiết khiến bà không biết bắt đầu từ đâu.
Năm 2017, khi được UBND xã thông báo có lớp học nghề dệt thổ cẩm tại Nhà văn hóa buôn Kréh, bà đã bàn bạc với các thành viên trong gia đình sắp xếp thời gian để mình đi học. Sau hơn ba tháng miệt mài học nhận diện từng loại hoa văn đến tập se chỉ, dệt thì bản thân bà đã biết dệt một chiếc khăn thổ cẩm đơn giản. Sau khi kết thúc lớp học nghề, ở nhà hễ có thời gian rảnh, bà lại đem khung dệt ra dệt. Nhờ sự cần cù, chăm chỉ rèn luyện mà bà đã biết dệt các sản phẩm thổ cẩm phức tạp với những điểm nhấn là hoa văn, họa tiết hình vuông, hình chữ nhật, các mép vải đều và thẳng hơn.
Cũng từ các lớp học nghề, nhiều phụ nữ Êđê ở đây đã có thêm đam mê mới và các sản phẩm vốn được dệt để phục vụ nhu cầu sử dụng trong gia đình, trong các hoạt động văn hóa, đời sống như trang phục, vỏ chăn, địu trẻ em hay túi xách thì hiện nay chúng đã được bán ra thị trường, giúp chị em có thêm thu nhập. Bà H’Lát Êban (buôn Kréh) cũng biết đến nghề dệt thổ cẩm thông qua lớp dạy nghề sơ cấp được tổ chức tại buôn.
Bà H’lát cho hay, khó nhất trong dệt thổ cẩm là dệt các hoa văn, họa tiết trên sản phẩm sao cho cân đối, hài hoà. Do đó, sau khi biết dệt, bà đã mua một tấm chăn thổ cẩm về để so sánh. Đồng thời, giữ kết nối với chị em trong buôn và các buôn khác để chia sẻ kinh nghiệm. Chính sự đầu tư, học hỏi đó mà bà đã có thêm việc làm, thêm thu nhập từ thời gian rảnh rỗi trong ngày. Tính từ năm 2018 đến nay bà đã dệt được hơn 20 sản phẩm váy, áo, chăn, túi, khăn… Trong đó, bà đã bán được 10 sản phẩm theo đơn đặt hàng của người dân. Lấy công làm lãi, với giá bán 600 nghìn đến 2 triệu đồng/sản phẩm, bà đã thu về gần 10 triệu đồng.
Một lớp dạy nghề dệt thổ cẩm tại xã Ea Knuếc năm 2019. |
Bà H’Minh Ayun, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Knuếc cho biết, bà tham gia công tác đoàn thể tại địa phương hàng chục năm nay và trực tiếp phụ trách công tác dạy nghề cho lao động nông thôn từ năm 2013. Ban đầu, các lớp học nghề chủ yếu được mở ở những lĩnh vực thiên về kinh tế như trồng trọt, chăn nuôi, sửa chữa xe máy… Tuy nhiên, từ thực tế nhu cầu của người dân trên địa bàn xã, năm 2014 xã bắt đầu phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Krông Pắc tổ chức các lớp dạy nghề dệt thổ cẩm cho người dân. Tính đến thời điểm này, xã đã mở được 7 lớp dạy nghề dệt thổ cẩm, với 345 học viên tham gia.
Một số người sau khi hoàn thành khóa học vì nhiều lý do không duy trì được nghề dệt, nhưng họ đã nhận ra giá trị của thổ cẩm, thay đổi cách nhìn nhận về việc bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc. Để duy trì nghề dệt, tạo "cú hích" cho việc bảo tồn văn hóa truyền thống trong tương lai, giải quyết việc làm cho người dân địa phương, UBND xã đang định hướng cho bà con kết nối thành lập tổ hợp tác hoặc hợp tác xã dệt thổ cẩm.
Thanh Hường