Giữ gìn và phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống
Ngày đăng: 27/08/2020 14:41
Huyện Buôn Đôn không chỉ là vùng đất giàu truyền thống cách mạng mà còn là mảnh đất đa bản sắc văn hóa dân tộc. Những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cùng người dân đã đồng lòng, quyết tâm bảo tồn, duy trì nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn.
Không chỉ là địa danh gắn với huyền thoại Vua săn voi Y Thu Knul, xã Krông Na còn được biết đến với nhiều lễ hội đặc sắc của các cộng đồng dân tộc Êđê, M’nông, Lào cùng chung sống yên bình bên dòng Sêrêpốk. Nếu hội voi tôn vinh tinh thần thượng võ của người M’nông, những người dũng cảm trong việc săn bắt và thuần dưỡng voi rừng thì Lễ hội Bunpimay - Tết cổ truyền của người Lào (tổ chức từ ngày 13 đến 15-4 dương lịch) góp phần làm phong phú kho tàng văn hóa của cộng đồng các dân tộc, vun đắp tình hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt - Lào.
|
|
Theo thống kê của Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Buôn Đôn, trong 26 buôn của 5 xã trên toàn huyện hiện còn lưu giữ 129 sử thi, 28 truyện cổ, 28 nghi lễ, lễ hội, 55 dàn chiêng, 94 bài chiêng, 20 bến nước, 515 nhà truyền thống, 92 bài cúng, 18 người biết lời nói vần, 200 nghệ nhân biết diễn tấu chiêng, 8 nghệ nhân biết chỉnh chiêng, 9 nghệ nhân biết truyền dạy đánh chiêng, 57 người biết xử luật tục, 44 thầy cúng, 47 nghệ nhân biết sử dụng nhạc cụ tre nứa, 21 nghệ nhân biết chế tác nhạc cụ, 29 nghệ nhân biết tạc tượng và 221 nghệ nhân biết dệt thổ cẩm.
Ngoài kho tàng di sản văn hóa phi vật thể nói trên, huyện Buôn Đôn còn có nhiều di sản văn hóa vật thể đa dạng. Về danh lam thắng cảnh có hệ sinh thái rừng khộp của Vườn Quốc gia Yok Đôn; hệ thống thác nước trên dòng Sêrêpốk... Về di tích lịch sử, văn hóa kiến trúc có bến nước buôn Trí, nhà sàn cổ, mộ vua săn voi Y Thu Knul, cây bồ đề 138 năm tuổi ở buôn Yang Lành. Đặc biệt có Di tích Bến phà Sêrêpốk trên sông Sêrêpốk là một trong những di tích tiêu biểu thuộc mạng lưới đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2013.
Ông Vũ Minh Thoại, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Buôn Đôn cho biết, Buôn Đôn là huyện có sự giao thoa văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc tại chỗ Tây Nguyên (Êđê, M’nông, Gia Rai )… Bên cạnh đó, từ sau năm 1975, có sự đan xen cùng cộng cư của các dân tộc thiểu số trong cả nước như: Tày, Thái, Mường, Nùng… mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng, tạo nên vùng văn hóa đa dạng và độc đáo.
Thực hiện Nghị quyết Trung ương V (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 9-6-2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, thời gian qua công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được các cấp, ngành và địa phương đặc biệt quan tâm.
Trong 5 năm qua, huyện đã đăng cai tổ chức nhiều hoạt động văn hóa như: Liên hoan đội chiêng trẻ và nhạc cụ dân tộc (Cụm II) tỉnh Đắk Lắk năm 2015, thu hút hơn 250 diễn viên là con em đồng bào dân tộc tại chỗ tham gia; Chương trình biểu diễn nghệ thuật “Âm nhạc đồng hành cùng tháng năm”; Liên hoan tuyên truyền lưu động tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVI năm 2018 với sự tham gia của 14 đoàn, trên 350 cán bộ, diễn viên đến từ các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Đặc biệt, Lễ hội Văn hóa truyền thống các dân tộc được tổ chức định kỳ 2 năm một lần, trong đó nổi bật là Hội voi Buôn Đôn đã trở thành ngày hội độc đáo thu hút người dân tham gia cũng như du khách trong và ngoài tỉnh.
“Sự quan tâm của cấp ủy đảng, nỗ lực của chính quyền địa phương cùng sự hưởng ứng của các cộng đồng dân cư trong việc duy trì các lễ hội truyền thống đã giúp cho người dân trên địa bàn hiểu được vốn quý và trân trọng những giá trị văn hóa của dân tộc mình” - ông Vũ Minh Thoại, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Buôn |
Từ năm 2019, Hội voi Buôn Đôn cũng đã được đưa vào Đề án của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột, tổ chức định kỳ 2 năm một lần, là một trong những hoạt động văn hóa nổi bật của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột. Đáng chú ý, trước mỗi kỳ lễ hội, ngành Văn hóa đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức liên hoan văn hóa cồng chiêng, dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc và trình diễn trang phục truyền thống; hội thi chế tác nhạc cụ dân tộc, đan lát, dệt thổ cẩm và tạc tượng gỗ dân gian...
Bên cạnh các hội thi, hội diễn, liên hoan với nhiều hoạt động biểu diễn nghệ thuật dân gian được chính quyền địa phương tổ chức định kỳ, các nghi lễ truyền thống như: lễ cúng bến nước, lễ mừng lúa mới, lễ cúng sức khỏe, các nghi lễ vòng đời người cũng được chính cộng đồng duy trì. Qua đó, tạo môi trường văn hóa lành mạnh, góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, lối sống, gắn xây dựng môi trường văn hóa với bảo vệ môi trường sinh thái.
Lê Hương