Đắk Lắk: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại
Ngày đăng: 12/09/2020 22:24
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 12/09/2020 22:24
Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 46-CT/TW ngày 27/7/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về "chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội" trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã đạt được những kết quả ghi nhận.
Thực hiện Chỉ thị 46/CT-TW ngày 27/7/2010 của Ban Bí thư; Kế hoạch số 04-KH/TU ngày 05/01/2011của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Chỉ thị 46/CT-TW ngày 27/7/2010 của Ban Bí thư, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương và các cơ quan báo, đài ở Trung ương và địa phương triển khai thực hiện; tổ chức tuyên truyền trên Chương trình Văn hóa và Du lịch phát trên sóng Đài Phát thanh và Truyền hình Đắk Lắk; cổng Thông tin điện tử của Sở và các đơn vị trực thuộc; Bản tin Văn hóa, Thể thao và Du lịch; thông qua các hoạt động biểu diễn nghệ thuật, thông tin lưu động, chiếu phim lưu động, trưng bày, triển lãm, cổ động trực quan… để nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân về chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội và phát huy tinh thần đoàn kết xây dựng lối sống, nếp sống văn minh trong cộng đồng, tác động tích cực đối với sự phát triển của xã hội.
Cụ thể, hàng năm, thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành các văn bản về tuyên truyền, tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các văn bản triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan đến các ấn phẩm văn hóa độc hại, tổ chức các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật,… góp phần tuyên truyền, giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho các tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là thanh thiếu nhi trong việc nâng cao nhận thức, bài trừ các ấn phẩm, hình ảnh, phim, clip, mạng xã hội… trái với thuần phong mỹ tục, phong tục tập quán truyền thống của dân tộc.
Phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa, hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, khu di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Từ năm 2010 - 2020, đã thanh tra, kiểm tra đối với trên 2.069 lượt tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo. Đã chấn chỉnh, nhắc nhở cá nhân, cơ sở kinh doanh chấp hành đúng các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh, qua đó đã giúp cho các tổ chức, cá nhân nắm bắt và thực hiện đúng các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh các sản phẩm văn hóa.
Các đơn vị, địa phương chủ động xây dưng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ, gắn kết công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ngăn chặn, chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội tại cơ sở, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng dân tộc thiểu số; thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa, các hoạt động văn hóa, biểu diễn nghệ thuật, đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật.
Hàng năm, thường xuyên trang bị kiến thức cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong toàn Ngành nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn, ý thức chấp hành các quy định của pháp luật, tôn trọng các quyền và lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân trong thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động, góp phần tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước trong công tác chống sự xâm nhập của các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội trong cơ quan, đơn vị. Đồng thời, tăng cường công tác xây dựng xã hội học tập tại các đơn vị, địa phương; thông qua các phong trào gia đình hiếu học, đơn vị học tập, cộng đồng học tập, các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ học tập suốt đời.
Cùng với đó, thường xuyên quan tâm chú trọng lồng ghép thực hiện các nhiệm vụ của Chỉ thị với việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI; Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh"; Thông báo kết luận số 213-TB/TW của Ban Bí thư (khóa X) về "Đấu tranh chống các quan điểm sai trái trong văn học, nghệ thuật"; Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư (khóa XI) về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015 – 2030", gắn với kế hoạch hoạt động của đơn vị, địa phương; thông qua việc học tập các Nghị quyết do Đảng ủy Sở tổ chức, sinh hoạt của các chi bộ, cùng với việc tự học, tự nghiên cứu... để thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nâng cao bản lĩnh chính trị cho cán bộ, đảng viên; phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, xây dựng tinh thần đoàn kết, trách nhiệm.
Thường xuyên giáo dục cho cán bộ, đảng viên, nhân viên, người lao động của cơ quan, đơn vị có lập trường tư tưởng kiên định vững vàng. Xây dựng chương trình, kế hoạch công tác, cụ thể hóa nhiệm vụ cho cán bộ, đảng viên, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước để cán bộ, đảng viên nắm bắt kịp thời và thực hiện có hiệu quả. Xây dựng ý thức tự giác, năng động, sáng tạo, trách nhiệm để đạt hiệu quả cao trong công tác. Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, đảm bảo sự lãnh đạo tập trung thống nhất, tập thể đoàn kết, thường xuyên đấu tranh với tư tưởng tiêu cực ảnh hưởng đến tác phong, đạo đức, lối sống người cán bộ, đảng viên; thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Công tác quản lý, phát triển văn học, nghệ thuật của tỉnh được quan tâm, chú trọng. Đội ngũ văn nghệ sĩ tích cực tham gia sáng tác, biên tập, dàn dựng nhiều chương trình văn hóa, nghệ thuật có giá trị nghệ thuật cao, góp phần phát huy giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống tốt đẹp của quê hương, đất nước, đưa văn học, nghệ thuật của tỉnh có bước phát triển mới.
Công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân trong việc chấp hành pháp luật và các quy định về bài trừ các sản phẩm văn hóa độc hại, đã được triển khai thực hiện rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở, với nhiều hình thức, phong phú, đa dạng đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng các dân tộc về bài trừ các sản phẩm văn hóa độc hại gây hủy hoại đạo đức xã hội. Đồng thời, thông qua các hoạt động Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, vận động người dân xây dựng nếp sống, phong cách sống và môi trường sống lành mạnh, không có tệ nạn xã hội.
Có thể nói, với sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của các Bộ, ngành Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh về việc thực hiện các nhiệm vụ của Chỉ thị, các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở triển khai thực hiện đồng bộ, góp phần xây dựng và hình thành lối sống có ý thức, tự chủ, sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật; nêu cao tinh thần trách nhiệm của cá nhân đối với bản thân, gia đình và xã hội nhằm đạt được mục tiêu xây dựng văn hóa, xã hội, con người ngày càng phát triển toàn diện./.