Kể sử thi Tây Nguyên bằng nhạc cụ dân tộc
Ngày đăng: 27/10/2020 12:56
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 27/10/2020 12:56
Nói như Nghệ sĩ Ưu tú Trần Ly Ly (Giám đốc Nhà hát Vũ kịch Việt Nam), người trực tiếp đạo diễn sân khấu chương trình nghệ thuật của Đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk tham gia cuộc thi trên - rằng chỉ qua 3 tiết mục (Hòa tấu nhạc Hồn đất mẹ, Vía trời cha và Vũ khúc hữu nghị) được nhóm nhạc cụ dân tộc biểu diễn trong vòng 15 phút đã tái hiện lại một cách sinh động và minh triết về đời sống của cộng đồng các dân tộc ở đây - từ trong bóng tối bước ra ánh sáng, rồi tạo dựng những giá trị văn hóa, tinh thần tiêu biểu, giàu bản sắc để vươn tới sự hòa nhập và lan tỏa cùng dòng chảy lịch sử - văn hóa Việt Nam. Hiểu cách khác, đó chính là dòng sử thi được nghệ sĩ, nghệ nhân và diễn viên của Đoàn kể lại bằng vốn nhạc cụ dân tộc gần gũi, quen thuộc của mình.
Hòa tấu nhạc "Vía trời cha". |
Nghệ sĩ Nhân dân Y San Aleô, Trưởng Đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk
|
Người xem chương trình nghệ thuật của Đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk không thể không ấn tượng với thanh âm từ những nhạc cụ dưới bàn tay “ma mị” của các nghệ sĩ (Phạm Đức Hoàng và Y Hoách Êban - trống H’gơr, Cao Hữu Phê - đing păh, Ka Thin - đàn T’rưng trầm , H’Ngơn Niê - T’rưng bổng, Y Cel Niê - sáo vỗ, Y Nin Niê với đing tak tà, tù cùng dàn ching kram cộng hưởng). Tất cả những âm thanh ấy - dưới sự phối khí, dàn dựng của Nghệ sĩ Ưu tú Mạnh Tiến, nhạc sĩ Minh Đạo, cùng nữ đạo diễn sân khấu tài danh Nghệ sĩ Ưu tú Trần Ly Ly… đã tạo nên không gian đại ngàn đậm chất hoang sơ và hùng vĩ. Ở đó, âm thanh được phô diễn trên mọi cấp độ - từ trầm, bổng, khoan thai, dìu dặt cho đến mạnh mẽ, rộn rã, cao trào… để vẽ nên bức tranh đời sống chân thật, muôn màu, đầy cảm xúc của cộng đồng các dân tộc trên vùng đất Tây Nguyên kỳ vĩ này.
Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Quang Vinh (Vụ trưởng Vụ Biểu diễn, Bộ VH-TT-DL), Trưởng Ban giám khảo cuộc thi nhận xét: Ở đây, nếu như âm thanh được xem là phương tiện chuyên chở cảm xúc đa chiều, giàu cung bậc của đời sống con người, đóng vai trò hạt nhân và được ví như “thỏi nam châm” thu hút người xem thì thiết kế sân khấu, đặc biệt là ánh sáng, cách sắp đặt hình tượng nghệ thuật phông thời gian giúp công chúng thưởng lãm nhận biết dòng chảy lịch sử, văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở đây.
Không gian sử thi Tây Nguyên được tái hiện sinh động qua sự kết hợp của các nhạc cụ. |
Xem chương trình nghệ thuật của Đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk, ai cũng nhận ra trước khi có “Hồn đất mẹ” và “Vía trời cha” để nâng niu, gìn giữ là hồng hoang, bóng tối bao trùm; để khi có ngọn lửa của Thần Pui (tựa như Thần Promete trong thần thoại Hy Lạp) ban cho loài người thì cuộc sống mới nảy nở, sinh sôi, theo đó các giá trị văn hóa mới sinh thành, phát triển song hành cùng với ước mơ và khát vọng của cộng đồng. Hình tượng nghệ thuật 3 cô gái (đại diện cho mẫu hệ) đón lấy đốm lửa từ tay vị Thần Pui (lửa) để mở màn cho chương trình nghệ thuật của Đoàn Ca múa dân tộc Đắk Lắk - theo Nghệ sĩ Ưu tú Trần Ly Ly là nhằm trình bày ý tưởng trên. Ánh sáng tăng dần, âm thanh cũng thế, nối nhau hòa quyện và tung hứng trong không gian, thời gian được cách điệu ấy.
Đình Đối