Cồng chiêng âm vang "trở lại" buôn làng
Ngày đăng: 10/11/2020 21:50
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 10/11/2020 21:50
Sau 5 năm triển khai, thực hiện Nghị quyết số 05/2016/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về “Bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng Đắk Lắk, giai đoạn 2016 – 2020” (Nghị quyết 05) đã thật sự mang lại đời sống mới cho di sản văn hóa tiêu biểu này.
Những giải pháp trọng tâm và kịp thời
Sau khi Nghị quyết 05 được ban hành, UBND tỉnh đã có Kế hoạch số 1336/KH-UBND ngày 28-2-2017 giao Sở VH-TT-DL phối hợp cùng các ban, ngành, đơn vị liên quan cụ thể hóa một số nội dung, kèm giải pháp trọng tâm và kịp thời nhằm bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng Đắk Lắk một cách hiệu quả.
Rộn tiếng cồng chiêng bên nếp nhà dài truyền thống. Ảnh: Xuân Chiến |
Ông Đặng Gia Duẩn, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL cho biết, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 05, tỉnh đã cấp 26 bộ chiêng cùng 358 bộ trang phục truyền thống cho những đội chiêng tiêu biểu ở các buôn trong tỉnh. Việc truyền dạy cồng chiêng cũng được triển khai, xúc tiến mạnh mẽ từ cấp tỉnh đến cơ sở với 124 lớp, thu hút gần 2.000 học viên tham gia, trong đó lực lượng thanh thiếu niên chiếm khoảng 70%. Các phòng, ban, đơn vị trực thuộc Sở VH-TT-DL phối hợp với chính quyền địa phương nỗ lực phục dựng hơn 140 nghi lễ, lễ hội truyền thống của đồng bào DTTS tại chỗ gắn với hoạt động diễn tấu cồng chiêng, qua đó hoàn thiện 3 hồ sơ đề nghị Bộ VH-TT-DL xem xét, đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, gồm: Nghi lễ vòng đời người của dân tộc M’nông ở huyện Lắk; các bài chiêng cổ của dân tộc Êđê ở huyện Ea H’leo và lời nói vần của dân tộc Êđê ở huyện Cư M’gar.
Ngoài chương trình biểu diễn văn hóa cồng chiêng (định kỳ 2 buổi/tháng) nhằm phục vụ nhân dân và du khách từ cuối năm 2017 đến nay, ngành văn hóa còn phối hợp với nhiều tổ chức, đơn vị truyền thông trong nước và quốc tế quảng bá, giới thiệu di sản phi vật thể của nhân loại này đến với đông đảo công chúng thông qua những cuộc liên hoan, giao lưu văn hóa - văn nghệ trong và ngoài tỉnh cũng như tại một số quốc gia châu Âu như: Pháp, Đức, Italia, Thụy Điển, Phần Lan và gần đây là Hàn Quốc, Indonesia… với mục đích mở rộng và lan tỏa hơn giá trị di sản trên trong dòng chảy hội nhập văn hóa của nhân loại.
Chú trọng giá trị cốt lõi
Một số chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa nhận xét, Đề án “Bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng Đắk Lắk, giai đoạn 2016 – 2020” đã có bước đột phá thực chất và đáng ghi nhận, đó là các giá trị cốt lõi của Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được chú trọng hơn trên tinh thần công nhận của UNESCO; rằng cồng chiêng phải được đặt trong môi trường “thiêng” của mỗi cộng đồng, dân tộc. Môi trường “thiêng” ấy là lễ hội, nghi thức, nghi lễ thực hành văn hóa cụ thể để âm điệu cồng chiêng cộng cảm giữa con người với thế giới tự nhiên, tín ngưỡng và tâm linh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh
|
Chia sẻ về điều này, Nghệ nhân Ưu tú Ama H’Loan (buôn Akô Dhông, phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) tâm tình: Văn hóa cồng chiêng đã được mọi người cảm nhận, ứng xử với thái độ của “người trong cuộc”, chứ không còn qua loa, nhạt nhòa, thậm chí méo mó làm mất đi bản chất, tính đa nghĩa của một giá trị văn hóa tiêu biểu của cộng đồng các dân tộc thiểu số như đã từng diễn ra. Nói đầy đủ hơn là cồng chiêng được trả về chốn sinh thành của nó - là nghi lễ, phong tục và lễ hội truyền thống… ở đó chức năng xã hội, tâm linh của cồng chiêng đã được khôi phục, đồng thời chức năng biểu hiện cảm xúc thông qua hình tượng nghệ thuật trình diễn, hát múa theo loại hình âm nhạc đặc sắc này đã được thăng hoa trong tâm hồn những ai có dịp thưởng thức và cảm nhận. Điều đó cũng đã tạo ra cách tiếp cận cũng như cái nhìn đúng đắn về đời sống văn hóa cồng chiêng ở Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung.
Cồng chiêng xuất hiện trong nhiều nghi lễ ở các buôn làng. Ảnh: Hữu Hùng |
Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân, người am hiểu và gắn bó với cồng chiêng Đắk Lắk lâu năm cũng nhìn nhận: Trong 5 năm qua, một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết số 05 là việc khảo sát, phục dựng hàng trăm nghi thức, lễ hội truyền thống có quan hệ mật thiết với cồng chiêng của người dân tộc thiểu số tại chỗ đã được chú trọng hơn, tạo môi trường “thiêng” cho di sản văn hóa này thể hiện những giá trị cốt lõi của mình. Có thể nói, đến nay cồng chiêng ở đây đã thật sự âm vang trở lại không những bằng nghệ thuật diễn xướng, trình diễn âm nhạc, vũ điệu thuần túy, mà còn để lại ấn tượng sâu sắc trong mỗi thông điệp có ý nghĩa được mỗi cộng đồng, dân tộc phát đi trong không gian văn hóa được phục dựng, tái hiện một cách chân thật và toàn vẹn.
Phương Đình