Toàn văn bài phát biểu của đồng chí Phạm Minh Chính Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương tại Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk
Ngày đăng: 23/11/2020 22:04
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 23/11/2020 22:04
Sáng 23-11, tại TP. Buôn Ma Thuột, đồng chí Phạm Minh Chính Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương đã có bài phát biểu chúc mừng tại Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk (23-11-1940 – 23-11-2020).
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk qua các thời kỳ!
Kính thưa các Mẹ Việt Nam Anh hùng, các bậc lão thành cách mạng!
Kính thưa các đồng chí đại biểu khách quý!
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính phát biểu chức mừng Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Hoàng Gia |
Kính thưa toàn thể các đồng chí!
Trong không khí cả nước chào mừng thành công đại hội đảng bộ ba cấp, chuẩn bị Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, hôm nay, chúng tôi rất vui mừng về dự Lễ kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk (23-11-1940 - 23-11-2020). Đây là sự kiện trọng đại, góp phần khẳng định và làm sâu sắc hơn truyền thống cách mạng vẻ vang, những đóng góp to lớn của Đảng bộ, quân và dân Đắk Lắk trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tình cảm cá nhân, tôi xin gửi tới các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk qua các thời kỳ, các đồng chí lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam Anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng lao động cùng toàn thể các đại biểu khách quý, đồng chí, đồng bào lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần, lời chúc sức khỏe chân tình và lời chúc mừng tốt đẹp nhất!
Thưa các đồng chí và đại biểu khách quý!
Đắk Lắk là vùng đất giữ vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của khu vực Tây Nguyên và của cả nước. Nơi đây được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh hấp dẫn, độc đáo với những ngọn thác hùng vĩ, những hồ nước thơ mộng cùng các khu rừng nguyên sinh đa dạng, là những biểu tượng cao đẹp của vùng đất Tây Nguyên huyền thoại. Vùng đất này là nơi lưu giữ nhiều nét đặc sắc về giá trị văn hóa dân gian, phong tục tập quán của cộng đồng 49 dân tộc anh em cùng chung sống; cái nôi của sử thi Việt Nam với các huyền thoại bất tử Đam San, Xinh Nhã…; những di tích hào hùng lưu giữ dấu ấn lịch sử và các phong trào cách mạng của biết bao thế hệ cha anh đi trước. Văn hóa nhiều màu sắc độc đáo chứa đựng không chỉ tinh hoa của từng bản làng, từng tộc người mà đồng thời còn đại diện cho sức mạnh tinh thần bất diệt của người dân nơi đây. Con người Đắk Lắk mang trong mình phẩm chất của vùng đất Tây Nguyên phóng khoáng và mạnh mẽ, mộc mạc và thủy chung. Đó là những con người sống hết lòng vì gia đình, sống nghĩa tình với làng xóm, buôn làng, son sắt, thủy chung đi theo cách mạng với tinh thần bất khuất, hiên ngang trước khó khăn, gian khổ; là những con người mạnh mẽ, hào sảng, ý chí quật cường, không chịu khuất phục khó khăn trong Sử thi Đam San. Các thế hệ con người nơi đây tiếp tục giữ lửa cho truyền thống vẻ vang của cha ông, cùng với nhân dân cả nước lập nên nhiều chiến công hiển hách và những thành quả lớn lao trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta.
Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, là bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Với khí thế cách mạng sục sôi trong cả nước, ngày 23-11-1940, Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk được thành lập. Đây là sự kiện đánh dấu bước trưởng thành có ý nghĩa lịch sử của phong trào cách mạng tỉnh nhà trong thời đại Hồ Chí Minh; là kết tinh sự lãnh đạo tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam và phong trào yêu nước của nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk anh hùng.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, những hạt giống cách mạng từ Chi bộ nhà đày Buôn Ma Thuột đã trở thành hạt nhân quy tụ đoàn kết, lãnh đạo phong trào cách mạng trong khu vực phát triển mạnh mẽ. Đỉnh cao của phong trào đấu tranh là cuộc mít tinh giành chính quyền ngày 24/8/1945; đồng bào các dân tộc Đắk Lắk đã đứng lên cùng cả nước làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 thành công và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đắk Lắk là địa bàn chiến lược trọng yếu. Vượt lên mọi hy sinh, gian khổ, quân và dân Đắk Lắk đã kề vai sát cánh, bền bỉ đấu tranh, lần lượt đập tan các âm mưu, thủ đoạn của kẻ địch, lập nên những chiến công oanh liệt: đồng khởi phá kềm (1960 - 1961), phá ấp giành dân giải phóng nông thôn (1964 - 1965), Tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968), đánh bại chương trình bình định cấp tốc (1969 - 1972). Mùa Xuân năm 1975, thị xã Buôn Ma Thuột của tỉnh Đắk Lắk vinh dự được Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương chọn làm điểm quyết chiến chiến lược. Quân và dân Đắk Lắk đã tích cực góp phần công sức của mình cùng với quân chủ lực làm nên chiến thắng lịch sử Buôn Ma Thuột (10-3-1975), giải phóng toàn tỉnh Đắk Lắk và Tây Nguyên, mở màn thắng lợi cho cuộc Tổng tấn công và nổi dậy giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên: độc lập, tự do, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi ở Đắk Lắk thể hiện sự lãnh đạo tài tình của Đảng ta, trực tiếp là Đảng bộ địa phương đã chủ động thực hiện chủ trương, quyết sách, đường lối của Đảng một cách sáng tạo, phù hợp. Thành công này là nhờ ý chí kiên cường, bất khuất, tinh thần đoàn kết, gắn bó keo sơn của nhân dân các dân tộc Đắk Lắk trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Nhưng ngay sau chiến thắng mùa xuân năm 1975; Đắk Lắk lại cùng cả nước phải đương đầu với cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam chống lại bè lũ diệt chủng Khơ me Đỏ xâm phạm độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ! Bạo loạn chính trị ở Tây Nguyên, quân và dân tỉnh Đắk Lắk đương đầu, đấu tranh với nhà nước tin lành Đề-ga trong giai đoạn 2001 - 2004.
Trong các cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, đồng bào các dân tộc Đắk Lắk dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ đã đóng góp sức người, sức của, chiến đấu hy sinh trong bom đạn, trong đó có 9.538 liệt sĩ, 7.682 thương binh; 641 mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; hàng chục tập thể, cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động. Sự hy sinh trọn đời mình của các Anh hùng liệt sỹ, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, xương máu của các thương binh, bệnh binh đã hun đúc nên ý chí bất khuất, quật cường, vươn lên của các thế hệ người Đắk Lắk chịu thương, chịu khó, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cao cả của Đảng, của Đất nước và của Nhân dân ta.
Thưa các đồng chí và đại biểu khách quý!
Bước vào thời kỳ đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong điều kiện còn nhiều khó khăn của một Tỉnh có xuất phát điểm thấp, nhưng với tinh thần đổi mới tư duy phát triển, đổi mới cơ chế quản lý kinh tế mà trọng tâm là xóa bỏ quan liêu bao cấp, xây dựng nền kinh tế đa thành phần, đa hình thức sở hữu và đẩy mạnh hợp tác hội nhập quốc tế; Đảng bộ Đắk Lắk đã lãnh đạo quân và dân tỉnh nhà đoàn kết một lòng, chủ động, sáng tạo, phát huy tiềm năng, lợi thế, khơi dậy các nguồn lực đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đã đạt được nhiều thành tựu trên các lĩnh vực. Nhất là trong những năm qua, Đắk Lắk đã khai thác và phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế cho phát triển (năm 2020 quy mô nền kinh tế tăng gấp 1,5 lần so với năm 2015; tổng sản phẩm bình quân đầu người tăng gấp 1,6 lần so với năm 2015); cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng dịch vụ và công nghiệp, lĩnh vực nông nghiệp được cơ cấu lại theo hướng chất lượng cao; sắc thái, diện mạo của Tỉnh có nhiều đổi thay tích cực. Văn hóa xã hội đạt nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên, nhất là miền núi, vùng sâu, vùng xa. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị luôn được quan tâm; tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính từng bước được đổi mới theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; quốc phòng, an ninh được tăng cường, biên giới của Tổ quốc được bảo vệ vững chắc; hợp tác quốc tế và liên kết vùng được thúc đẩy có hiệu quả.
Chương trình văn nghệ chào mừng tại Lễ kỷ niệm. Ảnh: Hoàng Gia |
Thưa các đồng chí và đại biểu khách quý!
Trải qua 80 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ đã lãnh đạo quân và dân Đắk Lắk vượt qua muôn vàn khó khăn, hy sinh, gian khổ, chiến đấu kiên cường, bất khuất, góp phần vào thắng lợi vẻ vang của cả dân tộc. Những thành tựu đạt được là hết sức to lớn, là sự kết tinh của sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng bộ; thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; nhờ sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của các cấp ủy Đảng, sự quản lý có hiệu quả của các cấp chính quyền và sự hy sinh, nỗ lực, đồng lòng, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức của quân và dân tỉnh Đắk Lắk qua các thời kỳ; với sự giúp đỡ tận tình, hiệu quả của các ban, bộ ngành Trung ương và các địa phương trong cả nước.
Với nhiều thành tích xuất sắc trong đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng nhiều danh hiệu cao quý như: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều phần thưởng cao quý khác của Đảng và Nhà nước; cùng sự tôn vinh của bạn bè quốc tế và sự ngưỡng mộ của nhân dân cả nước.
Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tôi nhiệt liệt chúc mừng và biểu dương những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk đã đạt được trong suốt chặng đường lịch sử vẻ vang 80 năm qua.
Thưa các đồng chí và đại biểu khách quý!
Tuy đạt được nhiều thành tích quan trọng có ý nghĩa to lớn, nhưng Đắk Lắk phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, truyền thống cách mạng hào hùng và nền văn hóa đầy bản sắc của đất và người nơi đây; vẫn là tỉnh nghèo, còn nhiều khó khăn, chất lượng tăng trưởng kinh tế còn thấp; an ninh và ổn định chính trị ở một số địa bàn trọng điểm còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp; đời sống nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới còn nhiều khó khăn, thiếu thốn; thu nhập bình quân đầu người của tỉnh Đắk Lắk đứng thứ 45/63 tỉnh thành trong cả nước; văn hóa xã hội phát triển chưa đồng đều, khoảng cách phát triển giữa đô thị và nông thôn có xu hướng gia tăng; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lý kinh tế - xã hội một số mặt còn hạn chế, bất cập; năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của tỉnh Đắk Lắk chưa cao, đứng ở vị trí trung bình dưới trong cả nước (thứ 38/63 tỉnh thành); Chỉ số cải cách hành chính còn phải cố gắng nhiều hơn nữa, chỉ xếp thứ 50/63 tỉnh thành trong cả nước.
Những hạn chế, yếu kém nêu trên có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng nguyên nhân chủ quan vẫn là chính: (1) Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa thực sự chủ động và sáng tạo trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, nhất là cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước phù hợp với điều kiện của tỉnh Đắk Lắk để thực hiện. (2) Năng lực, chất lượng của đội ngũ cán bộ, đảng viên chưa đồng đều, có mặt còn hạn chế, yếu kém, có nơi, có lúc đoàn kết chưa cao. (3) Việc phân cấp, phân quyền gắn kiểm tra giám sát và nêu cao tinh thần với trách nhiệm của các ngành, các cấp chưa mạnh mẽ và chưa đồng bộ; có nơi có lúc vẫn còn tình trạng quan liêu, trông chờ thậm chí ỷ lại. (4) Môi trường đầu tư, kinh doanh chưa ổn định và thật sự hấp dẫn. (5) Nguồn nhân lực nói chung, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển. (6) Cải cách hành chính và thái độ phục vụ nhân dân vẫn còn khoảng cách so với yêu cầu.
Nhân dịp này, cho phép tôi được gợi ý làm rõ thêm một số bài học kinh nghiệm: Một là, phải giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ và cả hệ thống chính trị; tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy những giá trị truyền thống của đồng bào các dân tộc Đắk Lắk, tạo sự đồng thuận cao, chung sức chung lòng vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Hai là, phải thường xuyên quan tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài, đủ sức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu; coi đó là nhân tố quyết định cho mọi thắng lợi. Ba là, phải giữ vững và thực hiện đúng Điều lệ Đảng, các quy định, quy chế và các nguyên tắc tổ chức của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ. Trước những vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm thì càng phải giữ vững nguyên tắc, thực hiện nhất quán, phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể; đặt lợi ích của Đảng, lợi ích quốc gia - dân tộc và của nhân dân lên trên hết, trước hết. Bốn là, bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan. Năm là, lãnh đạo toàn diện, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn khâu đột phá để tập trung thực hiện có hiệu quả, không dàn trải, thiếu tập trung, làm việc nào dứt việc đó. Sáu là, kiên quyết kiên trì chống chủ nghĩa cá nhân, quan liêu, xa dân; chống tiêu cực, tham nhũng lãng phí, luôn khiêm tốn, cầu thị, lắng nghe, học hỏi. Đồng thời nâng cao năng lực nắm bắt, dự báo tình hình, xử lý kịp thời những vấn đề phát sinh, không để bị động, bất ngờ.
Thưa các đồng chí và đại biểu khách quý!
Chúng ta kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh tỉnh Đắk Lắk trong không khí cả nước vừa tổ chức thành công đại hội đảng ba cấp, đang chuẩn bị tiến hành Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; đất nước đã qua gần 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước, 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020 với những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử và rất đáng tự hào, như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”. Góp phần vào những thành tựu chung của cả nước có sự đóng góp tích cực của Đảng bộ, chính quyền và quân, dân tỉnh Đắk Lắk.
Phát huy truyền thống 80 năm xây dựng và phát triển; để Đắk Lắk tiếp tục phát triển mạnh mẽ và toàn diện trong thời gian tới; tôi đề nghị Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Đắk Lắk phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, tinh thần đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, đổi mới, năng động, sáng tạo, nhưng đặc biệt không được thỏa mãn, chủ quan, nóng vội, mất cảnh giác; trong thời gian tới cần nghiên cứu thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau đây:
Một là, tiếp tục giữ gìn, củng cố, dày công chăm lo, vun đắp cho sự đoàn kết thống nhất trong Đảng và các tầng lớp nhân dân; có những giải pháp đồng bộ, hiệu quả để chuyển hóa truyền thống cách mạng, lịch sử, văn hóa phong phú đa dạng và đậm đà bản sắc tỉnh Đắk Lắk thành nguồn lực để phát triển; biến khó khăn, thách thức, nghèo khổ thành động lực, thành khát vọng vươn lên. Đảng bộ, chính quyền, quân và dân trong Tỉnh hãy phát huy hơn nữa ý chí tự lực, tự cường, phát huy mạnh mẽ nội lực là nhân tố quyết định, chiến lược, cơ bản, lâu dài, đồng thời tranh thủ tối đa mọi nguồn lực từ bên ngoài là quan trọng, đột phá; phải dựa vào dân và xuất phát từ lợi ích của dân; thi đua phấn đấu tạo thành sức mạnh tổng hợp, góp phần vào việc biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành cái có thể; nhanh chóng đưa Đắk Lắk phát triển nhanh, bền vững; nhân dân ấm no, hạnh phúc, bình yên hơn trong thời gian tới.
Hai là, tiếp tục xác định và thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, trong đó: (1) Coi trọng và thực hiện thật tốt các nhiệm vụ trọng tâm để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về các mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. (2) Công tác cán bộ là then chốt của nhiệm vụ then chốt, do vậy phải thường xuyên quan tâm và chăm lo đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, coi đó là yếu tố quyết định cho mọi thắng lợi; chú trọng xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số và cán bộ trẻ. (3) Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. (4) Tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trên cơ sở nắm vững 5 nguyên tắc tổ chức hoạt động và 5 phương thức lãnh đạo của Đảng, đặc biệt chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng bằng việc nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu; tăng cường phân cấp phân quyền, đồng thời đẩy mạnh kiểm tra, giám sát. (5) Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội, để thực sự là cầu nối gắn kết Đảng với nhân dân, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết dân tộc. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp; thực hiện tốt chức năng giám sát và quyết định những vấn đề lớn của địa phương. Củng cố, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của Uỷ ban nhân dân các cấp. Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính và xây dựng chính quyền của dân, do dân và vì dân. (6) Tiếp tục cụ thể hóa thực hiện các chủ trương, nghị quyết về xây dựng Đảng gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh như lời dạy của Người: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh”; thực hiện nghiêm các quy định về nêu gương, chức vụ càng cao càng phải nêu gương.
Ba là, tập trung cho phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm; trong đó, lấy đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh; nhu cầu thị trường, các ngành kinh tế mới nổi, tăng năng suất lao động làm định hướng. Sự phát triển của Đắk Lắk trong thời gian tới phải đặt trong yêu cầu phát triển chung của đất nước nhưng lại phải phù hợp với tình hình, đặc điểm, điều kiện, khả năng của Tỉnh. Vì vậy, Đảng bộ Tỉnh cần phân tích sâu sắc, xác định, nhận diện rõ hơn những tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của địa phương trong tương quan chung của khu vực Tây Nguyên và của cả nước. Trên cơ sở đó, xây dựng mục tiêu, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho phù hợp trong giai đoạn phát triển mới. Trong đó chú ý: (1) Lấy phát triển hạ tầng, cải cách hành chính đồng bộ, hiện đại làm nền tảng; lấy giáo dục đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ làm động lực; (2) Lãnh đạo toàn diện, nhưng có trọng tâm, trọng điểm, lựa chọn khâu đột phá phù hợp với đặc điểm tình hình, tính khả thi và nhất là phù hợp với nguồn lực để thực hiện có hiệu quả; trọng tâm là 3 đột phá chiến lược mà Đảng ta đã xác định và các lĩnh vực mà Tỉnh ưu tiên có thế mạnh như công nghiệp năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến sâu, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, dịch vụ; (3) Huy động nguồn lực từ hợp tác công tư theo tinh thần của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư để phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là các công trình giao thông trọng điểm, động lực. Tiếp tục đầu tư hạ tầng giao thông đến các huyện, các xã đặc biệt khó khăn, giao thông nông thôn vùng đồng bào dân tộc và vùng biên giới; (4) Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xây dựng chương trình, kế hoạch thu hút đầu tư phù hợp với điều kiện của Tỉnh; (5) Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, trọng tâm là cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung; xây dựng chuỗi giá trị, chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp; xây dựng chương trình OCOP có hiệu quả. Từng bước thu hút và đưa ngành công nghiệp chế biến nông sản đặc trưng thành ngành công nghiệp mũi nhọn của Tỉnh. Đẩy mạnh khai thác tiềm năng, thế mạnh kinh tế biên mậu; chú trọng phát triển du lịch và dịch vụ tài chính, logistics để Đắk Lắk vừa là điểm đến, vừa là điểm trung chuyển khách du lịch, vốn và hàng hóa của khu vực. (6) Tổ chức thực hiện có hiệu quả Kết luận số 67-KL/TW ngày 16-12-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhằm tạo động lực phát triển cho tỉnh trong thời gian tới.
Bốn là, giữ gìn và phát triển văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc là nền tảng tinh thần của xã hội, tạo động lực cho phát triển bền vững; trong đó lấy phát triển con người, bảo đảm và cải thiện dân sinh làm mục đích. Hết sức coi trọng giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, khơi dậy niềm tự hào, củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng; bảo tồn, gìn giữ và phát triển các giá trị văn hóa độc đáo của nhân dân các dân tộc trên địa bàn; rà soát, xây dựng quy hoạch, kế hoạch bảo tồn, phát huy các di tích lịch sử, văn hóa, thắng cảnh, trước hết là bảo tồn, phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt Nhà đày Buôn Ma Thuột - nơi ra đời Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của Tỉnh.
Đắk Lắk là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, với 49 dân tộc anh em cùng sinh sống, do vậy phải thật sự chăm lo xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc, bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, thống nhất trong đa dạng của nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Tiếp tục làm tốt công tác đền ơn đáp nghĩa; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nhất là chăm lo chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng căn cứ kháng chiến của Tỉnh. Bảo đảm sự phát triển hài hòa và cân đối giữa các vùng, miền; chăm lo đời sống của nhân dân sao cho thật sự ấm no, hạnh phúc.
Năm là, củng cố quốc phòng, an ninh là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên; tích cực chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, trên cơ sở xây dựng Đắk Lắk thành khu vực phòng thủ vững chắc về an ninh, quốc phòng; phòng tuyến hợp tác và cạnh tranh kinh tế quốc tế, với những trọng tâm như: (1) Xây dựng khu vực phòng thủ cấp tỉnh, cấp huyện; xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và gắn với thế trận lòng dân vững chắc. (2) Giữ vững an ninh chính trị, an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo, an ninh biên giới. Làm tốt công tác phòng, chống ma tuý, tệ nạn xã hội, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường ổn định an toàn cho hợp tác và phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh; thực hiện phương châm bảo đảm an ninh, an toàn và an dân ở mọi nơi, mọi lúc. (3) Chủ động và tích cực mở rộng quan hệ đối ngoại một cách toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả với các tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia anh em; xây dựng đường biên giới thực sự hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. (4) Chủ động đánh giá những mâu thuẫn xã hội tiềm ẩn, dự báo chính xác những yếu tố phức tạp về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, những vấn đề dân tộc, tôn giáo trong thời gian tới để có những định hướng, giải pháp phù hợp, hiệu quả. (5) Nắm chắc tình hình trong nhân dân, nhất là những bức xúc tại cơ sở để kịp thời giải quyết có hiệu quả.
Sáu là, phải tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các ban, bộ, các ngành, hợp tác với các địa phương trong cả nước. Nhân dịp này, chúng tôi hoan nghênh, mong muốn và đề nghị các ban, bộ, ngành Trung ương thường xuyên, tiếp tục quan tâm, phối hợp, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để tỉnh Đắk Lắk phát triển; các tỉnh ủy, thành ủy trong cả nước, nhất là các tỉnh ủy, thành ủy trong khu vực Tây Nguyên tích cực xây dựng và củng cố mối quan hệ liên kết, hợp tác có hiệu quả với tỉnh Đắk Lắk.
Thưa các đồng chí và đại biểu khách quý!
Kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đảng bộ Đắk Lắk đúng vào dịp Đảng bộ tỉnh vừa lãnh đạo, tổ chức thành công đại hội các cấp và Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025; là dịp để chúng ta ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang hào hùng của quê hương, tri ân và nhắc nhở chúng ta không ngừng học tập, rèn luyện xứng đáng với sự hy sinh cao cả và công lao to lớn của các thế hệ cán bộ, đảng viên, quân và dân Đắk Lắk qua các thời kỳ. Qua đây góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, khơi dậy niềm tự hào, tinh thần đoàn kết toàn dân tộc; củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng. Từ đó cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn Tỉnh tiếp tục nỗ lực, phấn đấu thực hiện thành công Nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp, Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, cùng cả nước thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Trong giờ phút thiêng liêng này, chúng ta bồi hồi và xúc động nhớ đến hình ảnh Bác Hồ - Người anh hùng dân tộc vĩ đại, Danh nhân văn hóa thế giới. Trong Thư gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam tại Tây Nguyên tháng 4-1946, Người viết: “Tôi tuy xa, nhưng lòng tôi và Chính phủ vẫn gần gũi đồng bào. Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Êđê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau… Chúng ta phải thương yêu nhau, phải kính trọng nhau, phải giúp đỡ nhau để mưu hạnh phúc chung của chúng ta và con cháu chúng ta. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt”. Những lời thư hết sức dung dị, mộc mạc, gần gũi nhưng rất đỗi sâu sắc, thể hiện mong muốn, tình cảm dạt dào, thân thương, đậm đà và sâu lắng của Người, nhắc nhở chúng ta đoàn kết thống nhất, tương thân tương ái, để cùng nhau phát triển, cùng nhau tiến bộ, cùng nhau xây dựng một cuộc sống ấm no và hạnh phúc.
Các đại biểu tham dự Lễ mít tinh kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Hoàng Gia |
Thưa các đồng chí và đại biểu khách quý!
Chúng tôi tin tưởng và mong muốn rằng, với bề dày truyền thống lịch sử vẻ vang, với phẩm chất con người Đắk Lắk kiên cường, bất khuất như đỉnh Chư Yang Sin huyền thoại; kiêu hùng, trường tồn như thác Dray Sáp hùng vĩ; mộc mạc, hồn hậu như dòng sông Sêrêpốk nên thơ, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc Đắk Lắk đã đoàn kết rồi thì phải đoàn kết, thống nhất hơn nữa! đã có quyết tâm chính trị cao rồi thì phải cao hơn nữa! đã hành động quyết liệt rồi nhưng phải tiếp tục quyết liệt, hiệu quả hơn nữa! đã thành công rồi nhưng phải thành công, thành công nhiều hơn nữa! để mang đến cho mọi người dân ngày càng ấm no hạnh phúc, đầy đủ hơn; góp phần tạo ra khí thế mới cùng cả nước thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Xin chân thành kính chúc các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đồng chí lãnh đạo Đắk Lắk qua các thời kỳ; các đồng chí lão thành cách mạng, mẹ Việt Nam Anh hùng, các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động cùng toàn thể đại biểu khách quý, các đồng chí sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Xin trân trọng cảm ơn!