Lễ tạ ơn của người J'rai
Ngày đăng: 05/02/2021 22:55
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 05/02/2021 22:55
Dân tộc J’rai có nhiều lễ hội liên quan đến vòng đời người, trong đó đáng chú ý là lễ tạ ơn sinh thành.
Theo đó, khi người con đã trưởng thành, lập gia đình riêng, có đủ điều kiện kinh tế thì họ sẽ tổ chức lễ tạ ơn để cảm ơn công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Lễ tạ ơn cha mẹ của người J’rai được tổ chức vào tiết nông nhàn, thường là sau lễ mừng lúa mới. Đây là lễ được tổ chức một lần trong cuộc đời mỗi người mà bất cứ chàng trai hay cô gái nào lập gia đình đều phải tổ chức.
Trước tiên, người con phải xin ý kiến và được sự đồng ý của cha mẹ về thời gian tổ chức lễ tạ ơn. Gia đình người con sẽ mang một số lễ vật đến nhà cha mẹ để tiến hành các nghi lễ. Lễ vật không thể thiếu là một ghè rượu ngon và một số con vật như heo, gà hoặc bò để làm cỗ chiêu đãi bà con dân làng. Ghè rượu đặt giữa nhà - nơi tiến hành các nghi lễ. Thầy cúng lấy tiết con vật hiến sinh bôi lên ghè rượu, lấy một phần gan sống của các con vật đem xâu vào que tre rồi cột trên miệng ghè để cúng ông bà tổ tiên. Một phần lễ vật này còn được mang ra ngoài sân để cúng thần linh. Gà, thịt heo được nướng chín, xâu vào que tre rồi cột vào cây nơi buộc ghè rượu. Thầy cúng lấy một nhánh lá rừng nhúng vào trong ghè rượu rồi phẩy rượu lên cha mẹ và người con đang tiến hành nghi lễ tạ ơn.
Trong lễ tạ ơn, nghi thức phẩy rượu lên cha, mẹ và con với ý nghĩa cầu may mắn. Ảnh: dangcongsan.vn |
Già làng trải hai chiếc chiếu, một chiếc cho cha mẹ ngồi và một chiếc cho người con ngồi rồi hỏi: “Anh chị giết hạ con heo cho cha mẹ để làm gì?”. Người con đáp: “Chúng con giết hạ con heo này là để trả ơn cha mẹ về công ơn sinh thành và dưỡng dục. Nay chúng con đã trưởng thành, đã lập gia đình, sinh con đẻ cái, có nhà riêng và làm ăn khấm khá, có ruộng đất riêng. Vì vậy hôm nay, chúng con muốn tỏ một chút lòng hiếu thảo với cha mẹ về công ơn đó”. Nghe xong già làng nói: “Người cha, người mẹ ơi! Hôm nay hai vợ chồng người con trai (hoặc con gái) của hai ông bà hạ con heo, con gà này để cảm ơn cha mẹ đã sinh thành, nuôi dưỡng con khôn lớn chứ không đòi hỏi tiền bạc, của cải, ruộng đất gì đâu! Con trai, con gái hãy mau dâng lên cho cha mẹ món quà của mình”.
Món quà mà người con trai tặng cho cha là chiếc áo với lời thưa gửi ấm tình đạo hiếu: “Cha mẹ đã thương yêu chúng con, đã sinh thành và dưỡng dục, dạy bảo chúng con nên người. Chúng con không có gì hơn, xin cha mẹ hãy nhận lấy một chút quà mọn, là tấm áo này để tỏ lòng cảm ơn của chúng con”. Đến lượt mình, người con gái tặng cho mẹ chiếc váy cùng với lời thưa hiếu thảo: “Các con đã lớn tuổi rồi, chúng con luôn mong cha, mẹ khỏe mạnh. Đây là một trong những lễ quan trọng, nếu bỏ qua sau này muốn làm cũng không được, sẽ khiến chúng con cảm thấy áy náy, ân hận cả đời. Vì thế chúng con làm lễ này để mong cha, mẹ khỏe, sống lâu cùng con cháu. Chúng con không có gì hơn, xin cha mẹ hãy nhận lấy một chút quà mọn, là tấm váy áo này để tỏ lòng cảm ơn của chúng con”.
Người con trai tặng cha chiếc áo truyền thống trong lễ tạ ơn. |
Già làng khấn: “Hỡi thần linh, hỡi các Giàng cai quản gia đình, hôm nay các con, các cháu trong gia đình làm lễ tạ ơn, cúng sức khỏe cho cha mẹ, ông bà. Các con hạ con heo, con gà, bày ghè rượu ngon này để làm lễ báo hiếu, tạ ơn cha mẹ. Mời Giàng về ăn con heo, con gà, uống rượu, các thần hãy chứng kiến, nếu có sai trái hãy bỏ qua. Hỡi Giàng, hãy xua đuổi tà ma và ban sức khỏe cho hai ông bà sống lâu, khỏe, ở lâu dài với con cháu. Xin ngài hãy chứng giám lòng thành của các cháu”. Khấn vái xong, già làng lấy một nhánh lá rừng nhúng vào ghè rượu rồi vẩy lên người cha, người mẹ và các con. Điều này mang ý nghĩa thần linh ban phước lộc, sức khỏe cho họ.
Lễ tạ ơn là một nét đẹp trong đời sống văn hóa ứng xử của cộng đồng người J’rai, mang đậm bản sắc văn hóa tộc người và giá trị nhân văn sâu sắc. Truyền thống đạo hiếu của gia đình và cộng đồng được khơi dậy qua nghi lễ thiêng liêng và tình yêu thương, lòng kính trọng của con cái dành cho đấng sinh thành..
Tấn Vịnh