Trụ sở "Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Đắk Lắk 1945": Địa chỉ đỏ trong lòng thành phố
Ngày đăng: 10/03/2021 15:51
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 10/03/2021 15:51
Trụ sở "Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Đắk Lắk 1945" (thuộc phường Thắng Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) - nơi che giấu, nuôi dưỡng các cán bộ Đảng, nơi diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng và ban hành quyết định mang tính tiên quyết, góp phần làm nên thắng lợi Cách mạng tháng Tám năm 1945 vừa được UBND tỉnh công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh vào cuối tháng 2-2021.
Đây vốn là nhà của ông Đầu Viết Chúc, một cơ sở của Việt Minh. Thời Pháp thuộc, ông Chúc làm việc tại Lục lộ Vinh vì chống lại bọn Tây nên bị kỷ luật, phải huyền chức ba năm. Năm 1939, ông được phục chức và điều lên làm việc tại Buôn Ma Thuột. Năm 1943, ông xây dựng ngôi nhà ba gian tại số 57 đường Lý Thường Kiệt. Từ năm 1944, sau khi bắt liên lạc với các đồng chí trong Nhà đày Buôn Ma Thuột, ngôi nhà trở thành cơ sở liên lạc của Việt Minh. Trong khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945, ngôi nhà trở thành trụ sở của Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Đắk Lắk và là nơi diễn ra cuộc họp bầu Ủy ban lâm thời của tỉnh. Năm 1999, sau khi quy hoạch và đặt tên đường, số nhà 57 Lý Thường Kiệt được đổi thành nhà số 71 Lý Thường Kiệt hiện nay.
Căn nhà số 57 Lý Thường Kiệt nơi ghi dấu những sự kiện lịch sử trọng đại của cách mạng Đắk Lắk. Ảnh: Bảo tàng Đắk Lắk |
Ông Đinh Một, Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk cho biết, mặc dù nhà số 57 Lý Thường Kiệt là ngôi nhà ở bình thường nhưng lại là cơ sở bí mật của cách mạng nằm giữa trung tâm Buôn Ma Thuột trong giai đoạn tiền khởi nghĩa, đây là điều không phải dễ dàng trong điều kiện, bối cảnh lúc bấy giờ ở Đắk Lắk. Điều này chứng tỏ đường lối chiến lược của Đảng ta "không nơi nào bảo vệ vững chắc bằng lòng dân". Chính tại ngôi nhà này đã diễn ra nhiều hội nghị quan trọng của UBND cách mạng lâm thời tỉnh Đắk Lắk để chuẩn bị các điều kiện cho khởi nghĩa cách mạng Tháng Tám năm 1945 của tỉnh.
Đêm 13-8-1945, Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc ra quân lệnh số 1, hạ lệnh tổng khởi nghĩa. Tại Buôn Ma Thuột, ngày 14-8-1945, Ban lãnh đạo lâm thời triệu tập hội nghị đánh giá tình hình và nhận định thời cơ khởi nghĩa đã đến, quyết định phân công thêm người tuyên truyền, tiếp tục phát triển cơ sở trong lính bảo an, cử người đi xin thêm cán bộ chi viện và phối hợp hành động… Tối 19-8-1945, tại nhà số 57 Lý Thường Kiệt, Ban lãnh đạo lâm thời của tỉnh triệu tập Hội nghị khẩn cấp để nghe thông báo tình hình ở các tỉnh bạn và quyết định thời điểm giành chính quyền ở cấp tỉnh. Tham dự Hội nghị có đông đủ đại diện Việt Minh của các khu vực Buôn Ma Thuột, các đồn điền và một số buôn làng. Hội nghị đi đến một quyết định lịch sử: Chớp thời cơ phá tan cuộc chào cờ để đánh gục uy thế của chính quyền bù nhìn, biểu dương lực lượng Việt Minh, phát động quần chúng chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền tại Buôn Ma Thuột. Đồng thời đã bầu ra Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Đắk Lắk.
Cán bộ Bảo tàng Đắk Lắk khảo sát hiện trạng nhà số 71 Lý Thường Kiệt (TP. Buôn Ma Thuột). |
Theo kế hoạch, sáng 20-8-1945, tại sân vận động Buôn Ma Thuột trước sự có mặt đầy đủ của chính quyền tay sai Nhật, phái đoàn Ủy ban khởi nghĩa ra mắt và tuyên bố: “Các đơn vị lính bảo an và toàn thể nhân dân đã đi theo mặt trận Việt Minh làm cách mạng. Chính quyền Đắk Lắk đã thuộc về nhân dân, cho nên hôm nay chưa phải là ngày lễ chào cờ của chúng ta, đồng bào hãy giải tán, chờ lệnh cấp trên chúng ta sẽ có cuộc mít tinh chính thức”. Cả sân vận động reo hò vang khẩu hiệu: “Hoan hô cách mạng”, “Hoan hô Việt Minh”, “Đả đảo phát xít Nhật, “Đả đảo chính phủ Trần Trọng Kim”. Lá cờ quẻ ly chưa được kéo lên đã thấy cờ đỏ sao vàng xuất hiện trong tay một số người là quần chúng tốt do ta bố trí. Chính quyền bù nhìn không kịp đối phó, cuộc mít tinh bị giải tán. Theo chỉ dẫn của các đội tự vệ, đồng bào kéo thẳng tới Nhà đày Buôn Ma Thuột phá nhà lao, giải phóng cho những người bị giam giữ ở đây.
"Sau khi trụ sở "Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Đắk Lắk 1945" được công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã giao Bảo tàng tỉnh ngay trong tháng 3-2021 chủ trì, phối hợp với các phòng, đơn vị liên quan tiến hành khảo sát, đề xuất giải pháp phòng cháy, chữa cháy; tham mưu nội dung tổ chức Lễ đón nhận Quyết định xếp hạng Di tích; trong tháng 5-2021 xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy giá trị Di tích lịch sử này".
Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk Đinh Một
|
Sáng 22-8-1945, Ban lãnh đạo lâm thời của tỉnh họp Hội nghị mở rộng để nghe đánh giá tình hình phong trào của quần chúng những ngày qua, nhất là kết quả của việc phá buổi chào cờ của chính quyền bù nhìn. Đây là một quyết định chiến lược, làm tiền đề cho thời cơ khởi nghĩa chín muồi. Hội nghị đi đến quyết định khởi nghĩa giành chính quyền ở Buôn Ma Thuột vào ngày 22-8-1945, thành lập UBND cách mạng lâm thời. Khi thực dân Pháp chiếm lại Đắk Lắk, nhà số 57 Lý Thường Kiệt lại được Tỉnh ủy và UBND cách mạng lâm thời của tỉnh chọn làm trụ sở chỉ huy tác chiến phản kích địch. Sau khi Pháp chiếm lại Buôn Ma Thuột, chúng truy lùng bắt bớ những chiến sĩ cách mạng. Nhờ có căn hầm bí mật ở nhà ông Chúc, nhiều đồng chí lãnh đạo đang làm việc tại đây đã được cứu thoát. Buôn Ma Thuột một lần nữa rơi vào tay thực dân Pháp, các đồng chí lãnh đạo phải rút về căn cứ CADA tiếp tục chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai miền, miền Bắc đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội làm hậu phương cho miền Nam tiền tuyến tiếp tục đánh Mỹ. Tây Nguyên, Đắk Lắk nằm trong sự kiểm soát của chính quyền Sài Gòn, nhà số 57 Lý Thường Kiệt bị sử dụng làm phòng thuế vụ. Năm 1975 đất nước thống nhất, Ủy ban quân quản Đắk Lắk giao nhà số 57 Lý Thường Kiệt cho Ty Tài chính Đắk Lắk (nay là Sở Tài chính) sử dụng làm phòng thu thuế. Năm 1999, nhà số 57 Lý Thường Kiệt được giao cho Công ty Kinh doanh nhà (Sở Xây dựng Đắk Lắk quản lý). Mặc dù trải qua thời gian dài sử dụng và cải tạo vào nhiều mục đích khác nhau, nhưng dấu ấn lịch sử gắn với lịch sử đất nước vẫn hiện diện.
Nhà 71 Lý Thường Kiệt hiện được các hộ gia đình ở và bày bán nhiều mặt hàng dễ cháy nổ. |
Trụ sở "Ủy ban khởi nghĩa tỉnh Đắk Lắk 1945" được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh sẽ trở thành một địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau nhằm gìn giữ, bảo tồn phát huy giá trị lịch sử của địa phương. Ngoài ra, có thể kết hợp tham quan với các di tích lịch sử ở TP. Buôn Ma Thuột như: Nhà đày Buôn Ma Thuột, Di tích 04 Nguyễn Du (Biệt điện Bảo Đại), đình Lạc Giao... thành tuyến điểm du lịch lịch sử, góp phần làm phong phú thêm điểm đến cho ngành du lịch, thu hút du khách đến với Buôn Ma Thuột nói riêng và Đắk Lắk nói chung.
Hoàng Nguyên