Văn hóa giao tiếp: Chuyện về cái tôi ích kỷ
Ngày đăng: 21/03/2021 20:14
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 21/03/2021 20:14
Hơn một tháng qua, cộng đồng mạng xã hội liên tục phản ánh về tình trạng âm thanh karaoke tại các gia đình trong các khu dân cư đô thị làm ảnh hưởng đến bà con hàng xóm, đến mức lãnh đạo các thành phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng phải vào cuộc, ra văn bản chấn chỉnh xử nghiêm.
Song phải chăng, chính tự thân mỗi người dân đô thị phải xem lại lối hành xử giao tiếp của mình, dựa vào các nguyên tắc ứng xử truyền thống, mới có thể chấm dứt tình trạng trên?
Thậm chí theo một số nhà nghiên cứu văn hóa nhìn nhận, mở âm thanh karaoke quá lớn hay nạn đổ rác bừa bãi, đậu xe nhếch nhác ở các đô thị lớn hôm nay có can hệ mật thiết đến những thói quen, cách ứng xử văn minh văn hóa giữa mỗi gia đình trong dòng chảy đô thị hóa hôm nay.
Cái tôi ích kỷ ở đâu cũng thấy?
Câu chuyện được ghi nhận ở một xóm nhỏ giữa TP. Hồ Chí Minh, khi một nhóm bạn trẻ bật loa to hát karaoke rền rĩ hàng giờ khiến gia đình nào cũng giận dữ. Nhưng khi tổ trưởng dân phố đến nhắc, nhóm bạn gay gắt nói lại: “Hát chút cũng nhắc, sao quanh đây đậu xe ngày đêm chật đường thì không ai nói?”. Hóa ra, nhóm này ấm ức khi ngày nào bước ra ngõ cũng bị cảnh các xe ô tô trong xóm đậu kín lối đi lại, mà số nhà mua ô tô ngày càng tăng. Vậy là cả xóm phải căng tai chịu cảnh “bị tra tấn tiếng ồn” chỉ vì… lâu nay không ai nhượng bộ ai về chỗ đậu xe chen lấn.
Tình cảnh này hóa ra không chỉ xảy ra ở một ngõ xóm đô thị mà dường như phổ biến khắp hang cùng ngõ hẻm ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… Có thể nói, giữa các căn hộ, gia đình, dù là ở giữa khu đô thị xa hoa hay xóm lao động nghèo nàn, vấn đề bất đồng quan điểm, mâu thuẫn giữa quan hệ láng giềng với nhau đã tồn tại dây dưa. Nhiều gia đình gần như có thói quen về đến nhà là cửa đóng then cài, không quan tâm xung quanh có ai nên khi đổ rác ra đường hay dừng xe đậu đỗ cũng không quan tâm xem có ảnh hưởng đến người khác hay không. Quá đáng hơn, nhiều gia đình lân cận còn suốt ngày cãi cọ, đôi co với nhau vì máng nước mưa nhà này chảy sang nhà kia, hay giàn hoa giấy rơi lá vào nhà người khác. Hậu quả là các gia đình tránh nhìn mặt nhau, và khi có dịp là… tìm cách trả thù. Nhà này mở nhạc to hơn, nhà kia bật đèn chói gương vào hàng xóm, đều là những thói xấu mà không ai không thấy nhưng thảy đều im lặng vì không đối thoại được.
Một số nhà văn hóa nhìn nhận, cuộc sống hiện đại càng khiến con người có xu hướng xa rời những bản sắc quan hệ truyền thống, từ đó mới có những hành vi lệch lạc khi ứng xử với nhau. Khi mỗi người chỉ tự đề cao cái tôi cá nhân đầy ích kỷ, thì không thể đòi hỏi mỗi gia đình, mỗi khu xóm có được sự chan hòa trân trọng nhau. Cảnh cha mẹ, con cái cãi vã, anh em xích mích ngày càng phổ biến thì làm sao ngăn được tình trạng hàng xóm oán trách nhau khi nhà này ném chuột chết qua nhà kia, và trong xóm có ai bật loa to hát nhạc ầm ĩ cũng không nhà nào “đủ tư cách” nhắc nhở.
Cái tôi ích kỷ như vậy, đáng tiếc thay, giờ ở đâu cũng có, cũng hiển hiện khắp các khu đô thị, từ chỗ đặt vật chướng ngại cản người khác đỗ xe ô tô, đến bịch rác bị vứt ngay giữa lối đi vì ở đó “không ai quản”.
“Bán bà con xa mua láng giềng gần”
Cha ông ta ngày xưa đã có câu: “Bán bà con xa mua láng giềng gần” để lưu ý mỗi con người, mỗi gia đình trong xã hội nên có sự cân nhắc, thận trọng để hành xử đúng mực và văn minh. Nhất là trong bối cảnh đô thị hóa ngày càng sâu sắc, cuộc sống con người ngày càng bon chen vụ lợi thì các giá trị giao tiếp khoan hòa, tôn trọng nhau càng đáng được quan tâm, từ đó mới tạo được nền tảng cho cuộc sống cộng đồng trật tự.
Rạng rỡ niềm tin yêu. Ảnh: Nhơn Phan |
Người viết bài này ở trong một xóm chợ. Hai từ “xóm chợ” dễ khiến mọi người liên tưởng đến một bối cảnh cuộc sống đa chiều phức tạp như thế nào, khi có quá nhiều nhóm đối tượng xã hội, nhiều tầng nấc gia đình cùng hoạt động trong một khu vực. Nhưng lâu nay, ở cái xóm nhỏ chen chúc các dạng gia đình này, bà con vẫn ứng xử với nhau rất thân thuộc và hòa nhã. Bởi một điều ngay từ khi lập xóm đến nay, bà con láng giềng đã xây dựng được truyền thống quan tâm đến nhau. Khi có việc cúng giỗ, lễ tiết, các gia đình lại có dĩa xôi, chén chè mang sang biếu nhau. Có người trong xóm đau ốm, cả xóm cử người đến thăm an ủi. Việc trẻ con đùa nghịch, người lớn tranh chấp, tất cả đều lấy hòa khí xử lý.
Bởi thế, trong những ngày Tết, đám thanh niên đem loa ra phát nhạc ca hát, nhưng đến 11 giờ trưa, quá 21 giờ tối là tự động ngừng lại. Có nhóm nào lỡ mở nhạc ồn ào, chỉ cần người trong xóm nhắn nhau, là lập tức dừng.
Từ một chi tiết nhỏ này nhìn ra thì vấn nạn hát hò ầm ĩ làm ảnh hưởng sinh hoạt người dân thời gian qua chắc chắn sẽ không thể phát sinh nếu lâu nay mỗi gia đình, mỗi cá nhân ở đô thị nhận thức đúng về giá trị cộng đồng, giữ được quan hệ láng giềng thân cận, biết kính trên nhường dưới, thuận thảo trước sau. Chỉ cần mỗi người, mỗi nhà bỏ suy nghĩ tự đề cao bản thân, dẹp đi cái tôi ích kỷ, biết lắng nghe và chia sẻ xung quanh, xây dựng quan hệ lối xóm lân gia tích cực, chắc chắn sẽ không còn những nghịch cảnh coi thường, thóa mạ lẫn nhau nữa. Lúc đó, không cần đến những luật định hành chính, mỗi người mỗi nhà sẽ trở thành điểm sáng tươi đẹp về ứng xử văn hóa!
Nguyên Đức