Cơ hội phát triển và thách thức bảo tồn buôn cổ M'Liêng
Ngày đăng: 21/03/2021 09:20
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 21/03/2021 09:20
Năm 2006, buôn M’Liêng (xã Đắk Liêng, huyện Lắk) được Bộ VH-TT-DL xét chọn là một trong 4 buôn cổ trên địa bàn Tây Nguyên.
Theo đó, trong giai đoạn 2008 – 2012, buôn cổ này được Nhà nước đầu tư hàng chục tỷ đồng theo Chương trình quốc gia về phát triển văn hóa Việt Nam nhằm gìn giữ, bảo tồn vốn văn hóa truyền thống của cộng đồng người M’nông Rlăm ở đây.
Tuy nhiên, cho đến nay mục tiêu trên không đạt được như kỳ vọng do nhiều nguyên nhân, trong đó vấn đề đáng quan tâm nhất là tốc độ đô thị hóa đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ tại đây. Có thể nói “cơn lốc” đô thị hóa tràn tới đã khiến mọi thứ ở buôn cổ M’Liêng thay đổi nhanh chóng - từ không gian sống cho đến những thực hành văn hóa truyền thống vốn có trên “ốc đảo” này.
Những nếp nhà dài còn lại rất ít tại buôn cổ M'Liêng. |
Buôn trưởng Y Pháp Lưk cho hay, buôn cổ M’Liêng không còn là “ốc đảo” nữa khi con đường bê tông được mở ra vào đầu năm 2011 (từ nguồn vốn đầu tư của chương trình trên), nối buôn này với Quốc lộ 27, đoạn gần UBND xã Đắk Liêng. Con đường ấy đã nhanh chóng đưa buôn cổ M’Liêng đến gần hơn với đời sống văn minh, hiện đại bên ngoài - và hơn thế đã tạo điều kiện thuận lợi cho 151 hộ dân ở đây giao thương, trao đổi hàng hóa nông sản với nhiều địa phương khác trong vùng - từ thị trấn Liên Sơn, các xã Đắk Phơi, Đắk Nuê, Krông Nô (huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk) qua tận Rô Men, Đam Rông, Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng).
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Liêng Nguyễn Thế Anh, nhờ sự thông thương ấy mà người dân buôn M’Liêng đã tích cực khai thác tiềm năng, thế mạnh của mình để phát triển, hội nhập kinh tế và văn hóa một cách nhanh chóng. Từ gần 100 hộ thuộc diện đói nghèo cách đây hơn 10 năm, đến nay con số này chỉ còn dưới 10 hộ nhờ quỹ đất sản xuất nông nghiệp được phát huy tối đa. Ngoài 80 ha đất trồng bắp, mì và đậu đỗ các loại được bà con thâm canh hằng năm trên nương rẫy quanh vùng, từ năm 2012, buôn M’Liêng còn sở hữu cánh đồng lúa nước Kriêng với diện tích hơn 60 ha, được gieo sạ 3 vụ/năm đã góp phần thúc đẩy bước phát triển kinh tế ở đây nhanh hơn so với những buôn làng khác ở huyện Lắk.
Nhà cửa hai bên trục đường trung tâm buôn cổ M'Liêng được cơi nới, sửa sang. |
Buôn cổ M’Liêng được chính quyền huyện Lắk lựa chọn làm điểm đến du lịch cộng đồng theo đề án phát triển loại hình du lịch này trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ. Song, nhìn những gì đang diễn ra ở đây thì mục tiêu này khó có thể thực hiện được, do các yếu tố văn hóa, cảnh quan môi trường đang bị xâm hại và phá vỡ đáng báo động”.
(Đánh giá của Đoàn khảo sát, xây dựng Chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ do Sở VH-TT-DL chủ trì)
|
Song, nói như bà H’Loan, Trưởng Phòng VH-TT huyện Lắk thì phát triển luôn đi cùng thách thức bảo tồn đối với buôn cổ M’Liêng hiện nay cũng như trong tương lai. Vấn đề nổi cộm ở đây là không gian sống (đồng thời là không gian văn hóa - lịch sử) của buôn cổ này đang bị xâm hại từng ngày. Bên cạnh sự ồn ào, sôi động do ảnh hưởng nhịp sống hiện đại, văn minh lấn lướt, khiến cuộc sống thanh bình vốn có mất đi, thì tình trạng “bê tông hóa” lần lượt gần 100 ngôi nhà dài truyền thống trong buôn cũng là điều đáng quan tâm.
Theo Trưởng buôn Y Pháp Lưk, hầu hết nhà dài ở đây đều trong tình trạng mục nát, hư hỏng nghiêm trọng, buộc bà con phải sửa sang, cơi nới để sinh sống, nhưng với tình trạng “mạnh ai nấy làm” như hiện nay thì không bao lâu nữa buôn cổ này chỉ còn trong ký ức. Thêm vào đó là nạn khai thác cát, đá bất kể ngày đêm tại bến nước phía Tây cuối buôn để phục vụ nhu cầu xây dựng tại chỗ cũng như nhiều vùng lân cận khác càng đẩy nhanh mức độ xâm hại cảnh quan, môi trường sống ở buôn cổ M’Liêng theo chiều hướng báo động hơn.
Cuộc sống hiện đại, văn minh cùng với “cơn lốc” đô thị hóa diễn ra nhanh chóng cũng đã khiến vốn văn hóa phi vật thể (là cồng chiêng, hát múa dân gian, thực hành nghi lễ, lễ hội truyền thống) dần dà mất đi, không còn hiện diện sinh động như trước nữa. Khoảng trống này được nghệ nhân cồng chiêng Y Jút Du thừa nhận: Ngoài bộ chiêng đồng do ngành văn hóa huyện Lắk trang bị cho buôn M’Liêng cách đây vài năm (hiện để tại Nhà Văn hóa cộng đồng) thì buôn không còn bộ chiêng nào nữa, trừ gia đình ông còn giữ được bộ chiêng Yau 6 chiếc, nhưng đã nhiều năm qua không sử dụng vì không có thực hành văn hóa nào được cộng đồng tổ chức.
Phương Đình