Biểu diễn Ca kịch “Khát vọng Dam Săn” và Chương trình âm nhạc, nghệ thuật dân gian chủ đề “Tiếng gọi Cao nguyên” tại thành phố Hà Nội.
Ngày đăng: 11/04/2025 08:33
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 11/04/2025 08:33
Từ ngày 12-13/4, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội, Công ty TNHH Sông Thương Garden tổ chức họp báo, biểu diễn Ca kịch “Khát vọng Dam Săn” và Chương trình âm nhạc, nghệ thuật dân gian chủ đề “Tiếng gọi Cao nguyên” tại thành phố Hà Nội. Đây là hoạt động trong chuỗi sự kiện quảng bá văn hóa, du lịch của tỉnh Đắk Lắk tại Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - VITM Hanoi 2025.
Thông qua chương trình nhằm giới thiệu và lan tỏa đến với người dân Hà Nội, du khách trong và ngoài nước biết về “Không gian văn hóa cồng chiêng” được UNESCO ghi danh là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; “Tri thức trồng và chế biến cà phê Đắk Lắk”; Trưng bày triển lãm ảnh văn hoá – du lịch Đắk Lắk; Chương trình biểu diễn âm nhạc dân gian truyền thống và vở Ca kịch “Khát vọng Dam Săn”.
Chương trình biểu diễn văn hóa nghệ thuật, giới thiệu văn hóa cồng chiêng, hoà tấu, nhạc cụ dân tộc mang đậm bản sắc văn hoá của các dân tộc Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng do nghệ sĩ, diễn viên Đoàn Ca múa Dân tộc thực hiện nhằm quảng bá văn hóa truyền thống, thu hút khách du lịch đến với Đắk Lắk tại Chương trình Khai mạc Hội chợ và gian hàng Hội chợ.
Chương trình sẽ diễn ra vào lúc 19h30 tối thứ Bảy (12/4) tại sân khấu vườn hoa Đền Bà Kiệu, không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm, chương trình “Tiếng gọi Cao nguyên” đưa khán giả bước vào bản hòa âm sống động của đại ngàn.
Âm thanh cồng chiêng ngân vang, những giai điệu dân ca Êđê, M’nông, Gia Rai hòa quyện cùng nhạc cụ tre nứa tạo nên bức tranh âm thanh vừa trầm hùng, vừa thánh thót như tiếng suối giữa rừng sâu.
Đặc biệt, chương trình sẽ tái hiện không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên – di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO ghi danh – ngay giữa lòng phố cổ Hà Nội.
Vở diễn lấy cảm hứng từ sử thi Dam Săn – kiệt tác truyền khẩu được nhà dân tộc học người Pháp Sabatier sưu tầm và công bố tại Paris năm 1927. Tác phẩm đã làm say lòng giới nghiên cứu châu Âu, được ví như Iliad, Odyssey của Hy Lạp hay “Bài ca chàng Roland” của Pháp.
Nhà biên kịch Hồng Hoa đã thổi làn gió mới vào sử thi cổ, tạo nên “Khát vọng Dam Săn” – một bản hùng ca hiện đại về tình yêu, khát vọng chinh phục và vẻ đẹp giao hòa với thiên nhiên của người Êđê.
Được thể hiện bằng ngôn ngữ âm nhạc và sân khấu đậm đà bản sắc, vở ca kịch không chỉ góp phần bảo tồn văn hóa Êđê mà còn hướng tới trở thành sản phẩm văn hóa du lịch độc đáo của Đắk Lắk và Tây Nguyên. Sự kiện tới đây hứa hẹn là điểm nhấn văn hóa ấn tượng dịp tháng Tư, mang đến cho công chúng Thủ đô cơ hội quý giá để cảm nhận linh hồn Tây Nguyên giữa chốn đô thành.
Trong khuôn khổ sự kiện, tỉnh Đắk Lắk sẽ giới thiệu sản phẩm OCOP và mời cà phê miễn phí cho người dân và du khách tại gian hàng Hội chợ và địa điễm trình diễn vở Ca kịch “Khát vọng Dam Săn”.
Mai Anh