Ca kịch “Khát vọng Dam Săn” thu hút khán giả Thủ đô
Ngày đăng: 15/04/2025 10:38
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 15/04/2025 10:38
Tối 13/4/2025, chương trình biểu diễn vở ca kịch “Khát vọng Dam Săn” của Đoàn Ca Múa Dân tộc tỉnh Đắk Lắk đã thu hút được đông đảo khán giả Thủ đô đến với Rạp Công Nhân 42 Tràng Tiền, Hà Nội.
Đây là đêm biểu diễn nằm trong chương trình quảng bá văn hoá, nghệ thuật Tây Nguyên tại Hà Nội do Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội tổ chức.
Đêm diễn có sự tham dự của nhiều đại biểu là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các cơ quan trung ương, Hà Nội và tỉnh Đắk Lắk: Ông Đặng Xuân Phương – Bí thư Đảng uỷ Quốc hội; NSND Nguyễn Xuân Bắc – Cục trưởng Cục NTBD; Ông Hà Minh Thắng – Phó Cục trưởng Cục NTBD; Bà Trần Thị Thu Đông – Phó Chủ tịch Hội LHVHNT Việt Nam; Ông Trần Hồng Tiến – Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao tỉnh Đắk Lắk; Bà Lê Thị Ánh Mai – Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội…
Nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, Đắk Lắk là nơi 49 dân tộc anh em cùng chung sống, các dân tộc tại chỗ chủ yếu như: Êđê, M’nông, Jarai… với nền văn hóa dân gian vô cùng độc đáo như văn hóa nhà dài, văn hóa mẫu hệ, văn hóa lễ hội, văn hóa cồng chiêng và văn hóa sử thi… đã được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước sưu tầm, công bố nhiều tác phẩm có giá trị. Đắk Lắk được biết đến với những sử thi hùng tráng về lịch sử phát triển của xã hội Tây Nguyên xưa như: Khing Ju, Xinh Nhã…, trong đó đặc biệt phải kể tới sử thi Dam Săn.
Vở ca kịch “Khát vọng Dam Săn” được dàn dựng dựa trên sử thi Dam Săn – Tác phẩm được nhà dân tộc học người Pháp Xa-bat-chiê sưu tầm được ở Đắk Lắk và công bố bằng song ngữ Êđê – Pháp tại Pari năm 1927, đã gây tiếng vang trong giới folklore các nước phương Tây. Họ đánh giá sử thi Dam Săn sánh ngang với các tác phẩm anh hùng ca nổi tiếng của Châu Âu như Iliat, Ôđixê của Hy Lạp và “Bài ca chàng Rô Lăng” của người Pháp. Trong nền văn học Việt Nam, Sử thi Dam Săn là một trong những tác phẩm tiêu biểu, là thể loại văn học được sáng tạo từ trí tưởng tượng phong phú, lãng mạn, bay bổng của đồng bào Êđê Tây Nguyên thời cổ đại. Thông qua tác phẩm, người đọc, người xem được gặp gỡ những tù trưởng anh hùng mà nổi bật nhất là anh hùng Dam Săn – người đã chiến đấu, thu phục kẻ thù bảo vệ buôn làng, bộ tộc.
Vở ca kịch “Khát vọng Dam Săn” được dàn dựng với kết cấu nội dung chính gồm 5 chương. Chương 1: Dam Săn và H’Nhi và đám cưới của họ. H’Nhi là nữ tù trưởng xinh đẹp của bộ tộc danh tiếng nhất vùng và nàng muốn bắt Dam Săn làm chồng. H’Nhi muốn có Dam Săn không chỉ vì chàng là tù trưởng dũng mãnh mà còn vì lời căn dặn của người ông rằng duy trì, vun đắp tục mối dây của đồng ào Êđê xưa. Chương 2: Xử tội Mtao Msei. Chiến thắng trước Mtao Msei đã giúp Dam Săn mở rộng buôn làng và trở thành tù trưởng hùng mạnh nhất vùng. Chương 3: Buôn sang trông cậy. Vì muốn có Dam Săn mà Nữ thần Mặt trời đã làm cho buôn làng chìm trong bóng tối. Chương 4: Nơi miền sáng. Trước nguy cơ buôn làng có thể bị huỷ diệt, Dam Săn đã vượt qua hiểm nguy, quyết tìm cưới Nữ thần Mặt trời và cuối cùng đã cảm hoá được Nữ thần để rồi nàng đã trao tặng cho Dam Săn ánh sáng màu nhiệm để chàng mang trở lại buôn làng. Chương 5: Mặt trời lên trên Cao nguyên bao la. Dam Săn đã mang ánh sáng về lại với buôn làng, khát vọng của chàng là ngọn lửa thắp lên tình yêu và sức sống nơi núi rừng Tây Nguyên hùng vĩ.
Được viết trên nền sử thi Dam Săn, nhưng trong kịch bản, “Khát vọng Dam Săn” được nhà biên kịch Hồng Hoa viết thêm nhiều tình tiết mới nhằm ngợi ca vẻ đẹp tình yêu của con người giao hòa với thiên nhiên, đặc biệt là ca ngợi khát vọng và vẻ đẹp lãng mạn nhưng cũng đầy kiêu hùng của người Êđê ở Tây Nguyên. Đó là: Sự khao khát của nữ thần Mặt trời mong có Dam Săn, nguy cơ bị huỷ diệt của buôn làng khi chìm trong bóng tối, khát vọng bảo vệ buôn làng của Dam Săn đã cảm hoá được Nữ thần Mặt trời và rồi Nữ thần đã tặng cho chàng vầng ánh sáng nhiệm màu để đất trời mãi ngọt lành hoa trái. Hay H’Nhi (vợ Dam Săn) trong giây phút thiêng liêng đón ánh sáng về với buôn làng, phút giây của ngày gặp lại Dam Săn, cũng là lúc chàng ra đi mãi mãi. H’Nhi đã cắn tay mình mong cứu Dam San và từ bàn tay ấy, tuôn trào dòng thác đỏ, thác của núi rừng Tây Nguyên, nơi miền đất bazan muôn đời hùng vĩ.
Vở ca kịch “Khát vọng Dam Săn” của tác giả Nhạc sĩ Nguyễn Cường; Biên kịch, Tổng đạo diễn: Hồng Hoa; Tổng biên đạo: NSND Y San Alio; Phần dàn nhạc truyền thống: Nhạc sĩ Nguyễn Cường; Phần dàn nhạc quốc tế: Nhạc sĩ Minh Đạo với sự tham gia của các diễn viên Đoàn Ca Múa Dân tộc tỉnh Đắk Lắk: NSƯT Y Joel Knul; Y Kô Niê; H’Lueng Niê, Y Moan Hmok, Hoàng Duyên…
Ca kịch “Khát vọng Dam Săn” đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk phê duyệt Đề án thực hiện với mong muốn xây dựng một tác phẩm lớn trong nền âm nhạc Việt Nam, góp phần phục dựng, bảo tồn văn hóa người Êđê qua âm nhạc và sân khấu hình ảnh. Đồng thời tác phẩm cũng được kỳ vọng trở thành một sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc, độc đáo của vùng đất Tây Nguyên.
Được biết, trước khi đến với khán giả Thủ đô Hà Nội, ca kịch “Khát vọng Dam Săn” cũng đã biểu diễn thành công tại nhiều sự kiện văn hoá của các tỉnh Tây Nguyên cũng như tại TP Hồ Chí Minh. Theo kế hoạch, vở ca kịch “Khát vọng Dam Săn” sẽ tiếp tục biểu diễn ở nhiều địa phương nhằm quảng bá những nét văn hoá đặc sắc của vùng đất Tây Nguyên đến đông đảo Nhân dân trên cả nước./.
Mai Anh