Đặc sắc chương trình nghệ thuật thời trang thổ cẩm truyền thống “Vũ điệu Ban Mê”
Ngày đăng: 21/10/2024 08:30
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 21/10/2024 08:30
Tối 19/10, chương trình nghệ thuật thời trang thổ cẩm truyền thống Vũ điệu Ban Mê do UBND Thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) phối với các đơn vị liên quan tổ chức đã đem đến công chúng những tiết mục nghệ thuật đặc sắc, mãn nhãn.
Chương trình nghệ thuật thời trang thổ cẩm truyền thống "Vũ điệu: Bảo tồn văn hóa thổ cẩm truyền thống Đắk Lắk Ban Mê" tại Buôn Ma Thuột là sự kiện đặc biệt nhằm tôn vinh và bảo tồn nét đẹp văn hóa thổ cẩm của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Chương trình này có sự tham gia phối hợp, giúp đỡ về chuyên môn của Nhà thiết kế Đặng Thị Minh Hạnh - Giám đốc sáng tạo Công ty TNHH Việt Mốt.
Phát biểu khai mạc chương trình "Vũ điệu Ban Mê", ông Phạm Tiến Hưng, Phó chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột, Trưởng ban Tổ chức, chia sẻ nhằm duy trì và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, cũng như bảo tồn trang phục và hoa văn thổ cẩm của các dân tộc thiểu số tại tỉnh Đắk Lắk, UBND thành phố Buôn Ma Thuột phối hợp với Công ty TNHH Việt Mốt tổ chức chương trình nghệ thuật thời trang thổ cẩm truyền thống mang tên "Vũ điệu Ban Mê."
Đây cũng là một trong những hoạt động hướng tới Chào mừng kỷ niệm 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk gắn với 120 năm Buôn Ma Thuột hình thành và phát triển (22/11/1904 - 22/11/2024), 50 năm chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk.
Trải qua 120 năm hình thành và phát triển, đến nay Buôn Ma Thuột thực sự là vùng đất đa dân tộc, đa văn hóa, là nơi sinh sống của 40 dân tộc anh em. Cùng với quá trình hình thành và phát triển, đồng bào dân tộc thiểu số có nền văn hóa đa dạng và phong phú, trở thành nét văn hóa đặc sắc của những lễ hội truyền thống, những bản trường ca hào hùng và không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là kiệt tác di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.
Chương trình "Vũ điệu Ban Mê" đã mang đến nhiều cảm xúc cho khán giả, đồng thời tái hiện quy trình dệt thổ cẩm và trình diễn các trang phục đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số.
Không chỉ dừng lại ở việc tôn vinh thổ cẩm, chương trình còn là dịp để quảng bá hình ảnh và bản sắc văn hóa của Đắk Lắk đến du khách trong và ngoài nước. Các nghệ nhân đã biểu diễn quy trình dệt thổ cẩm, đan lát, tạc tượng và làm gốm, giúp người xem hiểu rõ hơn về những giá trị văn hóa sâu sắc của đồng bào các dân tộc tại Buôn Ma Thuột và Tây Nguyên.
Chị H’Dzoang Niê- một người dân sinh sống tại Buôn Ma Thuột, chia sẻ: Tôi rất vui mừng khi thấy chương trình 'Vũ điệu Ban Mê' được tổ chức để tôn vinh văn hóa thổ cẩm truyền thống của đồng bào Tây Nguyên. Đây cũng là cơ hội để giới trẻ và du khách có thể hiểu hơn về giá trị văn hóa đặc sắc của vùng đất chúng tôi, đồng thời giữ gìn và phát huy bản sắc của các dân tộc thiểu số. Tôi tin rằng những màn biểu diễn và các sản phẩm thủ công sẽ mang đến niềm tự hào cho người dân nơi đây.
Theo UBND thành phố Buôn Ma Thuột, nghề dệt thổ cẩm không chỉ là một nghề truyền thống mà còn là một phần không thể thiếu trong văn hóa của vùng đất Tây Nguyên nói chung và Buôn Ma Thuột nói riêng.Ngày nay, thổ cẩm Tây Nguyên mang trong mình vẻ đẹp tinh tế đầy sức hút và đặc trưng của đồng bào các dân tộc thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, phản ánh sự gắn kết cực kỳ sâu sắc giữa con người với thiên nhiên.
Mỗi sản phẩm thổ cẩm là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, được tạo nên từ đôi bàn tay khéo léo và tâm hồn sáng tạo của những người nghệ nhân, không chỉ thể hiện nét văn hóa độc đáo, đậm đà bản sắc dân tộc mà còn là biểu tượng của sự tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc, sản phẩm thể hiện chiều sâu văn hóa, kết nối quá khứ với hiện tại.
Nguồn: daklak.gov.vn