Đắk Lắk chủ động, quyết liệt triển khai các hoạt động phòng, chống dịch
Ngày đăng: 15/08/2022 09:54
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 15/08/2022 09:54
Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk vừa có văn bản gửi các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố về chủ động, quyết liệt triển khai các hoạt động phòng, chống dịch.
Văn bản nêu rõ, tình hình dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở tỉnh ta vẫn đang diễn biến phức tạp; ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, mưa nhiều, lũ lụt, sự chủ quan của người dân trong công tác phòng bệnh và một số nơi chưa quyết liệt, chưa có sự vào cuộc hoặc phối hợp chưa đồng bộ của các cấp, các ngành cùng với ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch … là nguyên nhân dẫn đến nguy cơ dịch bùng phát gia tăng, xu hướng dịch bệnh phức tạp, khó lường. Tính đến ngày 12/8/2022, số mắc sốt xuất huyết Dengue (SXH) đã tăng lên 3.254 trường hợp và có 5 trường hợp tử vong. Số mắc COVID-19 trong 7 ngày vừa qua có xu hướng tăng trở lại với 165 trường hợp mắc. Trước nguy cơ hiện hữu dịch chồng dịch (bệnh COVID-19 và Sốt xuất huyết Dengue) và khả năng xâm nhập, xuất hiện của bệnh đậu mùa khỉ (Monkeypox), Sở Y tế đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ban, ngành trong tỉnh khẩn trương, quyết liệt tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện các nội dung sau: (1) Tiếp tục quyết liệt triển khai các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch tỉnh và hướng dẫn chuyên môn của Sở Y tế về công tác phòng, chống dịch, nhất là bệnh COVID-19 và SXH. Theo dõi chặt chẽ, bám sát các diễn biến của tình hình dịch và rà soát, chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó để ngăn chặn sự xâm nhập và khống chế dịch bệnh. (2) Tuyên truyền, vận động, hướng dẫn bằng nhiều hình thức như họp tổ dân phố, họp dân, tập huấn, hướng dẫn tại chỗ, phát tờ rơi, loa đài, phát thanh, báo chí, truyền hình... tới tận các hộ gia đình để người dân chủ động tham gia phòng, chống dịch, chú trọng triển khai công tác phòng, chống dịch tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc sinh sống, khu vực di biến động về dân cư, khu vực có ổ dịch cũ. Tiếp tục truyền thông về tiêm vắc xin, lợi ích, hiệu quả của vắc xin; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch "2K" (Khẩu trang, Khử khuẩn) + Vắc xin + Thuốc + Điều trị + Công nghệ + Ý thức người dân và các biện pháp khác. (3) Tiếp tục triển khai mạnh mẽ, thường xuyên các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy) trên địa bàn ngay và duy trì hoạt động 1 tuần/1 lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/1 lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng (bọ gậy) cao và 1 tháng/1 lần tại các khu vực còn lại. Vận động toàn thể người dân, công chức, viên chức, người lao động, các lực lượng cán bộ, chiến sỹ, quân nhân... cùng tham gia thực hiện. (4) Tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh công tác tiêm vắc xin phòng bệnh COVID-19; thực hiện “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để đảm bảo không bỏ sót đối tượng cần tiêm chủng, nhất là những đối tượng nguy cơ cao, học sinh trước ngày tựu trường, tăng tỷ lệ bao phủ vắc xin cho người dân. (5) Chủ động bố trí nguồn lực theo phân cấp cho công tác phòng, chống dịch. Đảm bảo đủ thuốc, hóa chất, sinh phẩm, vật tư y tế cho công tác phòng, chống dịch ở địa phương mình. (6) Thực hiện tốt công tác thống kê, báo cáo theo quy định.
Dương Nguyễn