Đắk Lắk có thêm 02 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Ngày đăng: 11/08/2022 05:03
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 11/08/2022 05:03
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ra Quyết định đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 10 di sản của các tỉnh Bình Phước, Bình Định, Đắk Lắk, Thanh Hóa, Tuyên Quang và Vĩnh Long, trong đó Đắk Lắk có 02 di sản phi vật thể.
Theo Quyết định số 1840/QĐ-BVHTTDL và Quyết định số 1841/QĐ-BVHTTDL ngày 04/8/2022 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, Đắk Lắk có 02 di sản phi vật thể được đưa vào danh mục là Ngữ văn dân gian “Lời nói vần của người Êđê”, huyện Cư M’gar và Tập quán xã hội và tín ngưỡng “Lễ mừng thọ của người M’nông”, huyện Lăk.
Lời nói vần, tiếng Êđê gọi là “Klei duê”, theo đó, “Klei” có nghĩa là lời nói, “Duê” có nghĩa là nối kết. Klei duê là lời nói có sự nối kết với nhau bằng các âm tiết cùng vần hoặc bằng từ có các âm tiết tương đồng. Trước kia, lời nói vần xuất hiện khá phổ biến trong đời sống và sinh hoạt văn hóa của người Êđê. Lời nói vần với những câu chữ ngắn dài được nối kết với nhau một cách hợp lý bằng vần điệu khá nhuần nhuyễn và sinh động, giúp cho người nghe có thể tiếp thu nhanh chóng và nhớ lâu. Loại hình này có mặt trong tất cả thể loại văn học dân gian như: Truyện cổ tích (klei đưm), lời khấn thần (riu yang), câu đố (klei mđăo), khan, kứt, eirei. Lời nói vần không bắt buộc không gian diễn xướng, có thể sử dụng trong lúc nghỉ ngơi sau giờ làm nương rẫy, khi đi lấy nước, bên ché rượu cần khi anh em, bạn bè gặp gỡ tâm tình hay người già răn dạy con cháu. Người diễn xướng Klei duê tùy vào tâm trạng, câu chuyện, hoàn cảnh mà biến tấu, sáng tạo thành những vần, điệu để người nghe dễ hiểu, dễ nhớ.
Lễ mừng thọ của người M’nông thường tổ chức vào tháng 1 đến 2 dương lịch hằng năm, sau khi đã kết thúc mùa nương, rẫy. Theo phong tục truyền thống của đồng bào M’nông, khi bố mẹ đã hơn 60 tuổi, con cái trong gia đình sẽ tổ chức lễ mừng thọ cho cha mẹ, nhằm thể hiện sự biết ơn công lao đã sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ. Trước kia buổi lễ mừng thọ cho cha mẹ thường được người con gái cả tổ chức nhưng ngày nay tất cả người con đều được tổ chức lễ mừng thọ cho cha mẹ mình.
Ngoài 02 di sản kể trên, 08 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia mới được đưa vào danh mục gồm nghề dệt thổ cẩm của người M’Nông (ở xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, xã Đăk Nhau, xã Đồng Nai, xã Thọ Sơn, xã Phú Sơn, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước); lễ hội Chùa Bà – Cảng thị Nước Mặn (xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định); lễ hội đền Bà Triệu (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa); lễ hội Mường Xia (xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa); hát sắc bùa của người Mường (huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa); lễ Đại Phan của người Sán Dìu (tỉnh Tuyên Quang); nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Mông Hoa (huyện Lâm Bình, huyện Hàm Yên, huyện Chiêm Hóa, huyện Na Hang, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang); nghề làm tàu hũ ky (xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long).
Như vậy, cùng với Khan (Sử thi Êđê), hiện tại Đắk Lắk đã có 03 di sản phi vật thể quốc gia. Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du kịch đang khẩn trương phối hợo với các sở ngành, địa phương liên quan tham mưu xây dựng Kế hoạch cụ thể để bảo tồn và phát huy giá trị các di sản này.
Đặng Gia Duẩn - Phó GĐ Sở VHTTDL