Đẩy mạnh công tác truyền thông về mục tiêu, quan điểm và cách thức triển khai Đề án OCOP
Ngày đăng: 20/09/2024 09:43
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 20/09/2024 09:43
Sáng 19/9, Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị tuyên truyền chương trình mỗi xã một sản phẩm ( OCOP) năm 2024 đến cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể, đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ trang trại và hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh.
Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Hoài Dương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương cùng các chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh.
Tham gia hội nghị, các đại biểu được chuyên gia cao cấp về Chương trình OCOP quốc gia truyền đạt một số chuyên đề về: “Lịch sử phát triển Chương trình OCOP; chia sẻ kinh nghiệm triển khai thực hiện Chương trình OCOP của các địa phương. Bài học kinh nghiệm, giải pháp trọng tâm trong thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2023-2025 tại tỉnh Đắk Lắk”. Từ đó, xác định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các tổ chức chính trị- xã hội và các tổ chức kinh tế trong việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP; những thuận lợi, khó khăn trong công tác chỉ đạo, điều hành và triển khai thực hiện; Các cơ chế, chính sách; công tác kiểm tra, giám sát.…
Sau 6 năm triển khai, Chương trình mỗi xã một sản phẩm đã tạo sự lan toả mạnh mẽ, rộng khắp tại các địa phương trong tỉnh Đắk Lắk. Đến nay, Đắk Lắk đã công nhận cho 240 sản phẩm đạt từ 3 đến 4 sao của 92/184 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Các sản phẩm OCOP đã nhanh chóng khẳng định vị thế, được thị trường đón nhận tích cực, giúp người nông dân mở rộng quy mô sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, từ đó góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống của Nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “kinh tế và tổ chức sản xuất” trong bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.
Bên cạnh kết quả đạt được, chương trình OCOP tại Đắk Lắk vẫn còn một số hạn chế như: các giải pháp hỗ trợ đối với chủ thể của các sản phẩm OCOP còn ít, quy mô sản phẩm OCOP còn khiêm tốn, công tác xúc tiến thương mại còn manh mún, thiếu tính đồng bộ, chưa tạo được điểm nhấn nổi trội, đặc sắc để tạo dựng hình ảnh, giá trị thương mại. Do đó, tại hội nghị các đại biểu đã được thông tin về chuyên đề: “Lịch sử phát triển chương trình OCOP”, “Kinh nghiệm triển khai thực hiện chương trình OCOP của các địa phương”; “Giải pháp trọng tâm thực hiện chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 tại Đắk Lắk”, “Trách nhiệm của hệ thống chính trị trong thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP” .
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho rằng, với phương châm “Chất lượng làm nên thương hiệu”, hiện nay rất cần đến sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc quan tâm đầu tư nhân lực, cơ sở vật chất dành cho Chương trình, sự tự nguyện tham gia của các thành phần kinh tế, đẩy mạnh phát triển sản xuất, chuyên nghiệp hóa và gia tăng giá trị sản phẩm OCOP, gia tăng lợi ích cộng đồng và nhân rộng các mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả; tạo làn gió mới, đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp tại địa phương.
Để tiếp tục khẳng định vị thế sản phẩm địa phương qua chương trình mỗi xã một sản phẩm, đồng chí Nguyễn Thiên Văn đề nghị các địa phương, đơn vị liên quan cần tập trung hướng dẫn, hỗ trợ cho các sản phẩm đã đăng ký tham gia Chương trình OCOP của các huyện, thị xã, thành phố trong năm 2024 theo quy định. Đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP tăng cường kết nối sản phẩm OCOP của tỉnh với các sàn thương mại điện tử.
Việc triển khai Chương trình OCOP cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở. Xác định sản phẩm OCOP là tiêu chí quan trọng trong xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác truyền thông về mục tiêu, quan điểm và cách thức triển khai Đề án OCOP để người dân hiểu và chủ động tham gia chương trình; khuyến khích tạo điều kiện và hỗ trợ các ý tưởng phát triển sản phẩm tại cộng đồng dân cư, thành lập các tổ chức sản xuất trên địa bàn…
Theo đồng chí Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, hội nghị là dịp để cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể, đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, chủ trang trại và hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh cập nhật những nội dung mới của chương trình OCOP để góp phần xây dựng chương trình đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Hy vọng với những thông tin quan trọng, hữu ích tại hội nghị này sẽ thúc đẩy Chương trình OCOP của tỉnh phát triển đúng hướng, đảm bảo chất lượng và hiệu quả, góp phần thiết thực vào thành công của chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Lắk.
Nhân dịp này, UBND tỉnh công bố quyết định và trao Chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao năm 2023 cho 28 sản phẩm của 10 chủ thể năm 2023.
Nguồn: daklak.gov.vn