Để văn hóa du lịch cao nguyên thật sự hấp dẫn
Ngày đăng: 05/09/2022 09:17
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 05/09/2022 09:17
Dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 năm nay diễn ra rất nhiều sự kiện văn hóa, đánh dấu sự hồi phục của kinh tế, và mũi nhọn du lịch Đắk Lắk.
Ông Thái Hồng Hà, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông tin về một loạt các điểm nhấn văn hóa, du lịch địa phương sau đại dịch.
Đó là ý thức và kịch bản du lịch hồi phục, với các điểm nhấn đầu tư, những điểm đến, nghỉ dưỡng, sinh thái, buôn, thôn văn hóa… được gầy dựng; nào là câu chuyện văn hóa cồng chiêng, với những nghi thức văn hóa lâu đời ở thôn, buôn truyền thống, như lễ kết nghĩa anh em, đã được đầu tư tái dựng rất chi tiết, bài bản.
Đó còn là lợi thế văn hóa ẩm thực, các giá trị nông sản bản địa được xây dựng thành những kịch bản thực chất, như Lễ hội Sầu riêng, Lễ hội Cà phê; những dấu ấn thời đại mới, văn hóa mới trên nền tảng giá trị gia đình, cộng đồng đang được kích hoạt, khuấy động, như Lễ hội Đêm trắng Ban Mê, các hoạt động tại Đường sách cà phê…
Theo ông Hà, khi nhìn nhận thấu đáo những giá trị nguyên bản đã bao đời, thách thức cho ngành văn hóa địa phương thật không đơn giản: Phải làm sao phục chế, bảo tồn được những giá trị đó, tránh đi những tư duy cổ hủ, cố chấp mà lại hòa hợp, tương thích với những xu thế, suy nghĩ mới trong các thế hệ, đời sống trẻ, đồng thời tương thích được với các nhóm đối tượng mới, như du khách phương xa đến với địa phương. Đội ngũ những người làm văn hóa Đắk Lắk phải hết sức chú ý, tìm hiểu, truy vấn lại nhiều vấn đề thuộc về lịch sử, về bản sắc văn hóa địa phương, mới có thể đưa ra những lựa chọn hợp lý và chuẩn xác hơn. “Tôi nói đơn giản như sân khấu Đam San được tái hiện với vở ca kịch truyền thống, chỉ riêng việc lựa chọn trang phục cho đúng, bản thân người diễn viên phải có được thần thái, dáng mạo phù hợp, đã là một vấn đề. Tìm cho ra nghệ nhân phục dựng, chế tác lại được những vật dụng, trang phục ấy, trong bối cảnh đời sống hôm nay, đã là một câu hỏi gay go rồi”, ông Hà tâm tư.
Một đòi hỏi không đơn giản đặt ra, là làm sao những thành quả nghiên cứu, phục dựng đó đi vào được tâm lý thưởng thức và tiếp cận của cộng đồng xã hội hôm nay. Đối thoại có tính hài hước của nhiều người trên mạng xã hội hiện nay cho thấy, cần có một sự dung hòa và hội nhập tốt hơn trong cung cách hành xử văn hóa cũ và mới ở Đắk Lắk hay chính Tây Nguyên. “Nhiều người vẫn nghĩ Buôn Ma Thuột là xứ đầy voi, đường đất đỏ gập ghềnh, mưa lũ về trắng trời với những mái nhà tranh rách nát. Những trang trại cà phê vẫn bị hiểu là đầy phân súc vật và rác rến lá cây…”, một cán bộ quản lý văn hóa tâm sự.
Theo bà Võ Thị Phượng, Trưởng Phòng Quản lý văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch), để thực sự khơi gợi được sức mạnh, giá trị văn hóa vốn dĩ với những hoạt động mới, đời sống hiện đại hơn mà không làm mất đi những giá trị nguyên bản, giải pháp được tính đến chính là hội nhập thế nào. Đây là lý do để thời gian qua, Đắk Lắk đẩy mạnh thêm những hoạt động kết nối, hợp tác phát triển văn hóa, du lịch với các tỉnh thành trong cả nước, và với các cánh cửa ra bên ngoài.
Sự kiện gặp gỡ, ký kết phát triển du lịch giữa Đắk Lắk và 4 tỉnh Tây Nguyên, 5 tỉnh duyên hải miền Trung trong tháng 8/2022 vừa qua là một ví dụ điển hình. Làm sao để du khách được tận hưởng những giá trị đặc sắc hơn, từ văn hóa di sản miền Trung, văn hóa xứ biển Đàng Trong, với những giá trị văn hóa thiêng liêng vùng đất đỏ, những câu chuyện cổ tích, trường ca thần thoại cao nguyên, là cả một chuyên đề lớn mà du lịch 10 tỉnh thành mong muốn làm được. Rồi việc hợp tác giữa Đắk Lắk với thủ đô Hà Nội, để đưa du khách Tràng An vào với suối thác đại ngàn, và ngược lại, đưa những con người chân chất với tiếng hát vang vọng núi rừng được tiếp cận những sắc màu du lịch xứ Bắc, từ vùng đất biển Lê Chân đến giọng quan họ Bắc Ninh, là cả một vấn đề cần truyền cảm lâu bền.
Sự kiện “Vũ khúc hữu nghị” mà Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk phối hợp các nghệ sĩ Hàn Quốc tổ chức mới diễn ra cuối tháng 8/2022 lại là một điểm nhấn mới mẻ. Bởi sự kết nối tích cực của lãnh sự quán hai nước, những người làm văn hóa xứ Hàn đã vượt đường xa đến Tây Nguyên, học và biểu diễn văn hóa cồng chiêng theo cách cảm thụ của họ. Quan trọng sau đó, viễn cảnh về những cơ hội giao thoa văn hóa khu vực, quốc tế, đi tìm hiểu sâu hơn những tương đồng giữa bộ gõ cao nguyên với những điệu múa, tiếng đàn Nhật Bản, châu Âu… rất đáng được các nhà văn hóa quan tâm.
Ông Thái Hồng Hà chia sẻ, thế giới ngày càng thu hẹp dần khoảng cách địa lý, thì không có gì lạ khi một nghệ nhân Bắc Âu có thể đến đây, ngồi nghe một điệu cồng chiêng rừng núi và uống chút rượu cần ủ lá bao năm. Khi làm được sự kết nối ấy, giá trị văn hóa Tây Nguyên mới thực sự lan tỏa, và du lịch Đắk Lắk mới đích thực cuốn hút được cộng đồng du khách đến tìm tòi, khám phá, và bị hấp dẫn say mê.
Nguyên Đức (nguồn baodaklak.vn)