Đề xuất nhiều giải pháp thực hiện tốt Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hoá và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045
Ngày đăng: 29/10/2024 13:14
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 29/10/2024 13:14
Ngày 16/9/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 991/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao cấp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ngày 18/10, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch này.
Huy động và phân bổ hợp lý nguồn lực đầu tư
Trong tham luận gửi đến Hội nghị, lãnh đạo Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hoá và thể thao quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, có một số giải pháp cần chú ý.
Trước hết, cần tiếp cận theo các giải pháp theo hướng toàn diện, chú trọng các giải pháp xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách để tháo gỡ các rào cản phát triển; xác định, huy động và phân bổ hợp lý nguồn lực đầu tư đặc biệt là nguồn vốn, đất đai, nhân lực và công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong hệ thống ngành văn hoá, thể thao và các ngành đóng vai trò liên kết hỗ trợ; đẩy mạnh liên kết, hợp tác phát triển văn hoá, thể thao giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương, trong nước và quốc tế; tăng cường tuyên truyền, giáo dụcnhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp trong xã hội về vị trí và vai trò của văn hoá và thể thao đối với sự bảo vệ và phát triển bền vững Tổ quốc; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và ứng dụng thành tựu tiên tiến về khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo trong các cơ sở và hoạt động vực văn hoá, thể thao; áp dụng các mô hình quản trị tiên tiến, hiệu quả phù hợp với điều kiện của đất nước để nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ sở văn hoá và thể thao quốc gia.
Trong nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, cần ưu tiên thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật, tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật... trong ngành văn hóa, thể thao, đặc biệt là ngành công nghiệp văn hoá, sáng tạo để tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động đầu tư, quản lý, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tại các cơ sở văn hóa và thể thao.
Có cơ chế khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở, không gian hoạt động văn hóa, thể thao; tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy hoạt động sáng tạo, phổ biến các loại hình sản phẩm. Thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù trong thu hút đầu tư; thực hiện cơ chế tự chủ tại các cơ sở công lập văn hoá, thể thao và cơ chế hợp tác công - tư trong lĩnh vực văn hoá và thể thao.
Trong giải pháp huy động và phân bổ nguồn lực đầu tư, cần ưu tiên dành nguồn ngân sách Nhà nước để đầu tư cho các cơ sở văn hoá, thể thao có đặc điểm đặc thù khó thu hút nguồn vốn xã hội hoá; sử dụng ngân sách và cơ chế chính sách để tạo đòn bẩy thu hút đầu tư của toàn xã hội. Có chính sách huy động nguồn vốn xã hội hóa, thu hút vốn đầu tư tư nhân và có chính sách ưu đãi về vốn vay cho các tổ chức, doanh nghiệp tham gia phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao quốc gia. Sử dụng có hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai, nguồn vốn ODA, nguồn vốn vay ưu đãi, nguồn tài trợ và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư phát triển mạng lưới cơ sở văn hoá, thể thao.
Dựa trên nội dung quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hoá và thể thao quốc gia, các địa phương cần có kế hoạch phân bổ nguồn tài nguyên, đặc biệt là quỹ đất phù hợp để phát triển các cơ sở văn hoá, thể thao quốc gia đảm bảo khai thác có hiệu quả nguồn lực đầu tư, hình thành các không gian phát triển.
Thực hiện phân bổ nguồn vốn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên đầu tư cho các cơ sở văn hoá, thể thao ở các trung tâm văn hoá đóng vai trò động lực và tạo sự liên kết phát triển giữa các vùng, địa phương, đặc biệt là tạo sự thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và kinh tế thể thao. Gắn nhiệm vụ xây dựng phát triển mạng lưới cơ sở văn hoá và thể thao quốc gia với các chương trình, đề án phát triển công nghiệp văn hoá và kinh tế thể thao, phát triển thương mại, dịch vụ du lịch.
Ưu tiên thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trong các cơ sở văn hoá, thể thao
Về giải pháp phát triển nguồn nhân lực, theo lãnh đạo Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích sự tham gia của cộng đồng nhân dân trong các hoạt động sáng tạo, thực hành văn hoá, tập luyện, thi đấu thể thao, đáp ứng đúng nhu cầu của nhân dân và công chúng; phát huy vai trò của các chuyên gia, những người làm công tác văn hoá nghệ thuật, thể dục thể thao và các bên liên quan trong quá trình xây dựng và phát triển mạng lưới cơ sở văn hoá, thể thao quốc gia. Ưu tiên đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật và ứng dụng khoa học công nghệ theo tiêu chuẩn quốc tế cho hệ thống các cơ sở nghiên cứu, đào tạo văn hoá, thể thao.
Đổi mới chương trình, phương pháp đào tạo văn hóa, thể thao đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, phù hợp bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù để bổ sung cho các ngành nghề, lĩnh vực còn thiếu hoặc mới hình thành, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao trình độ đội ngũ chuyên gia, giảng viên, huấn luyện viên, cán bộ quản lý và chuyên môn cho các cơ sở văn hoá, thể thao quốc gia. Ưu tiên thực hiện các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhân lực trong các cơ sở văn hoá, thể thao quốc gia đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và đòi hỏi từ hoạt động thực tiễn của các ngành, lĩnh vực, địa phương.
Về giải pháp liên kết, hợp tác giữa các ngành, lĩnh vực và vùng lãnh thổ: Chú trọng liên kết, hợp tác giữa các mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao do các Bộ ngành, tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp và địa phương quản lý; triển khai đầu tư xây dựng và phát triển các cơ sở văn hoá, thể thao quốc gia tại các thành phố trung tâm động lực trên các hành lang phát triển kinh tế, văn hoá, du lịch để tăng cường sự liên kết và hợp tác văn hoá, thể thao giữa các địa phương, vùng, quốc gia và quốc tế.
Đẩy mạnh hoạt động liên kết, hợp tác giữa ngành văn hóa và thể thao với ngành du lịch và các ngành, lĩnh vực khác có liên quan chặt chẽ trong hệ sinh thái công nghiệp văn hoá và kinh tế thể thao; tăng cường hợp tác giữa các thành phố trong mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO ở Việt Nam với các nước trên thế giới. Phát huy vai trò cầu nối hợp tác của các trung tâm văn hoá trong nước và trung tâm văn hoá Việt Nam tại nước ngoài để đẩy mạnh hoạt động hợp tác văn hoá và thể thao.
Các bộ ngành, địa phương chủ động xây dựng lộ trình, kế hoạch để mở rộng hợp tác trong nước và quốc tế, đặc biệt quan tâm đẩy mạnh hợp tác với những nước có nền công nghiệp văn hóa, kinh tế thể thao phát triển để tiếp thu các kinh nghiệm, tiến tới hình thành thị trường hợp tác xuất khẩu sản phẩm. Thực hiện đầy đủ các thoả thuận hợp tác về văn hóa và thể thao giữa Việt Nam với các chính phủ và tổ chức quốc tế. Chủ động đăng cai, tổ chức các sự kiện văn hóa và thể thao quốc tế để tăng cường liên kết, hợp tác giữa Việt Nam với các nước.
Về giải pháp tuyên truyền, giáo dục, lãnh đạo Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, tiếp tục đổi mới các hình thức tuyên truyền, giáo dục theo hướng phong phú, đa dạng và có tính sáng tạo nhằm nâng cao nhận thức của các tầng lớp trong xã hội về quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ xây dựng và phát triển mạng lưới cơ sở văn hoá và thể thao quốc gia trong thời kỳ mới.
Tăng cường hoạt động tuyên truyền, giáo dục trên không gian số và ứng dụng công nghệ hiện đại để tạo ra các nội dung và sản phẩm tuyên truyền, giáo dục phù hợp đến người dân. Xây dựng các cơ sở văn hoá và thể thao quốc gia trở thành không gian giáo dục và phổ biến các giá trị văn hoá Việt Nam, tiếp thu tinh hoa thế giới, là hình mẫu cho các cơ sở văn hoá, thể thao trên toàn quốc.
Về giải pháp nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ và bảo vệ môi trường: Cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến trong các cơ sở văn hoá và thể thao quốc gia. Thực hiện đồng bộ các giải pháp chuyển đổi số ngành văn hoá và thể thao, trong đó ưu tiên xây dựng cơ sở số hoá dữ liệu văn hoá và thể thao quốc gia, tạo ra các chương trình, phẩn mềm ứng dụng đưa vào phục vụ công tác quản lý nhà nước, nghiên cứu, giáo dục, đào tạo, cung cấp các sản phẩm, dịch vụ văn hoá, thể thao đến người sử dụng một cách hiệu quả. Có chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở văn hoá và thể thao hoạt động trên nền tảng số, trực tuyến, ứng dụng công nghệ giúp tăng cường tính tương tác với khách hàng.
Kỳ vọng sự thay đổi lớn, mang tính đột phá
Về giải pháp áp dụng mô hình quản lý, lãnh đạo Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam cho rằng, trước mắt cần tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến hoạt động liên doanh, liên kết của các đơn vị trong lĩnh vực văn hóa và thể thao; kiện toàn mô hình tổ chức quản lý, thực hiện phân cấp giữa quản lý của cơ quan nhà nước với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, với kinh doanh các dịch vụ văn hóa và thể thao trong mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao do Nhà nước đầu tư. Phát huy mô hình Hội đồng điều phối Vùng để thực hiện triển khai có hiệu quả, thống nhất và đồng bộ quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hoá và thể thao quốc gia với các quy hoạch có liên quan tại các vùng kinh tế- xã hội, và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Những vấn đề cần lưu ý trong các nhóm giải pháp trên đây có ý nghĩa quan trọng để đảm bảo thực hiện thành công các mục tiêu và nhiệm vụ quy hoạch đặt ra. Bên cạnh các giải pháp, trong quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch, các bộ ngành, địa phương và đơn vị có liên quan, theo sự phân công của Thủ tướng Chính phủ cần phát huy vai trò, trách nhiệm của mình, chủ động phối hợp cùng nhau tổ chức thực hiện quy hoạch đảm bảo tính động bộ với các quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị và các quy hoạch khác có liên quan....
Bộ VHTTDL được Thủ tướng Chính phủ phân công chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan thực hiện việc công bố quy hoạch theo quy định; xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kế hoạch thực hiện; tổ chức thực hiện sơ kết và tổ chức tổng kết việc thực hiện quy hoạch, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; tham mưu đề xuất các giải pháp, chính sách phù hợp nhằm thực hiện quy hoạch, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để bố trí ngân sách hằng năm thực hiện quy hoạch theo quy định của pháp luật về đầu tư công và ngân sách nhà nước.
Các bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ưu tiên bố trí nguồn lực, đề xuất các cơ chế, chính sách để thực hiện quy hoạch, bảo đảm tính hiệu quả, đồng bộ và thống nhất với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch khác có liên quan.
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về văn hóa, thể thao tại địa phương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao và theo quy định của pháp luật. Căn cứ tình hình thực tế của địa phương, rà soát, xây dựng, điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch, các dự án trên địa bàn, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy hoạch này; chủ động bố trí quỹ đất để thu hút đầu tư mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao phù hợp với nguồn lực và nhu cầu của địa phương; cân đối, bố trí nguồn vốn đối ứng từ ngân sách địa phương theo quy định, bảo đảm sử dụng hiệu quả, không trùng lặp, chồng chéo; đồng thời có giải pháp huy động hiệu quả các nguồn lực hợp pháp khác ngoài ngân sách để thực hiện quy hoạch tại địa phương. Theo dõi và chịu trách nhiệm về số liệu, tiến độ thực hiện, nội dung thực hiện; báo cáo định kỳ, đột xuất việc thực hiện quy hoạch tại địa phương, gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Các tổ chức, cá nhân liên quan phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền trong việc triển khai thực hiện quy hoạch; tổng hợp thông tin và đề xuất, báo cáo những khó khăn, vướng mắc nếu có.
Trên đây là các giải pháp chính và cách tổ chức thực hiện quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hoá và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Với việc đưa quy hoạch vào triển khai trong thực tiễn, ngành văn hoá và thể thao chắc chắn sẽ có sự thay đổi lớn, mang tính đột phá, góp phần đáng kể trong việc xây dựng nền văn hoá đất nước trong thời kỳ mới, tạo ra nguồn lực, động lực mới để phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Việc thực hiện quy hoạch sẽ góp phần hiện thực hoá mục tiêu mà toàn Đảng, toàn dân ta mong muốn xây dựng một đất nước Việt Nam hùng cường, nhân dân ấm no, hạnh phúc và đất nước ta nhất định phải trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI./.
Mai Anh