Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi): Tách di sản tư liệu thành một chương riêng sẽ quy định cụ thể, đồng bộ hơn
Ngày đăng: 15/08/2024 13:49
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 15/08/2024 13:49
Tiếp tục Phiên họp chuyên đề pháp luật, chiều 14/8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).
Giữ nguyên tên gọi của Luật
Báo cáo một số vấn đề lớn trong tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, ngày 06/8/2024, Thường trực Ủy ban đã tổ chức cuộc họp với Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng Ban soạn thảo và các cơ quan có liên quan để thống nhất việc tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật và các nội dung báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 36.
Về cơ bản, dự thảo Luật sau khi chỉnh lý đã thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, giải quyết các vấn đề phát sinh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm có 09 chương với 101 điều, giảm 01 điều so với dự thảo trình tại Kỳ họp thứ 7.
Về tên gọi, có ý kiến đề nghị sửa tên dự thảo Luật thành Luật Di sản, Luật Di sản văn hóa và danh lam thắng cảnh. Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, "Di sản" là khái niệm rộng, bao gồm nhiều lĩnh vực, trong đó di sản văn hóa chỉ là một lĩnh vực. Dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) được xây dựng để thay thế Luật Di sản văn hóa năm 2001, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009.
Vì vậy, phạm vi điều chỉnh của Luật Di sản văn hóa chỉ quy định về "di sản văn hóa". Khái niệm "danh lam thắng cảnh" cũng là một trong ba loại hình thuộc di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Vì vậy, cần giữ tên gọi như dự thảo Luật.
Tách di sản tư liệu thành một chương riêng sẽ quy định cụ thể, đồng bộ hơn
Về phạm vi điều chỉnh, một số ý kiến đề nghị không nên tách di sản tư liệu thành một loại hình di sản mới, vì di sản tư liệu là một loại hình của di sản văn hóa vật thể hoặc di sản văn hóa phi vật thể. Có ý kiến nhất trí bổ sung di sản tư liệu vào phạm vi điều chỉnh của dự án Luật.
Về vấn đề này, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho biết, theo Hướng dẫn Chương trình Ký ức thế giới của UNESCO về di sản tư liệu, di sản tư liệu chứa đựng nội dung thông tin bằng chữ viết, ký hiệu, âm thanh, hình ảnh động hoặc tĩnh, dạng số trên hiên vật mang thông tin dưới rất nhiều dạng thức khác nhau, như văn bản, bản nhạc, bản vẽ, phim, băng đĩa, dữ liệu điện tử..., được chủ thể tạo lập có chủ ý, có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ.
Như vậy, khác với di sản văn hóa vật thể mang tính đặc trưng của vật chất và di sản văn hóa phi vật thể mang thuộc tính đặc trưng của tinh thần không thể nhìn thấy được, di sản tư liệu mang thuộc tính của giá trị thông tin, thông điệp thể hiện trên hiện vật mang thông tin được chủ thể tạo ra có chủ ý, có thể tiếp cận, đọc và hiểu được. Việc tách di sản tư liệu như dự thảo Luật sẽ quy định cụ thể, đồng bộ hơn, nhằm bảo vệ và phát huy giá trị của loại hình di sản này. Vì vậy, đề nghị được giữ như dự thảo Luật.
Có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung "di sản địa chất", trong đó có công viên địa chất vào phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật vì bản chất di sản địa chất là di sản thiên nhiên, có chứa đựng các giá trị của cảnh quan văn hóa nên cũng được coi là di sản văn hóa.
Theo ông Nguyễn Đắc Vinh, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Cơ quan chủ trì soạn thảo đã thảo luận và thống nhất: "Di sản địa chất" được điều chỉnh tại Luật Bảo vệ môi trường và Luật Địa chất khoáng sản (sửa đổi), không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Di sản văn hóa. Trường hợp khu vực thiên nhiên có giá trị khoa học về địa chất, địa mạo, địa lý, đa dạng sinh học, hệ sinh thái đặc thù được công nhận là "danh lam thắng cảnh" theo quy định tại điểm c khoản 4 Điều 22 dự thảo Luật thì sẽ được điều chỉnh bởi dự thảo Luật này. Vì vậy, xin đề nghị giữ phạm vi điều chỉnh như dự thảo Luật.
Bỏ quy định Chủ tịch UBND tỉnh kiểm kê 5 năm 1 lần, Bộ trưởng Bộ VHTTDL kiểm kê 10 năm 1 lần
Về sở hữu di sản văn hóa (Điều 4), nhiều ý kiến đề nghị cần quy định rõ hơn các loại hình sở hữu di sản văn hóa; quy định cụ thể thẩm quyền, tiêu chí công nhận loại hình sở hữu đối với di sản văn hóa; nguyên tắc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa; giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu đối với di sản văn hóa (nếu có).
Ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhận thấy, ý kiến của các vị ĐBQH rất xác đáng. Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng quy định cụ thể việc xác lập di sản văn hóa theo từng loại hình sở hữu toàn dân, sở hữu chung, sở hữu riêng.
Việc xác định, đăng ký và giải quyết tranh chấp về sở hữu di sản văn hóa được thực hiện theo quy định của Luật này, pháp luật về dân sự, đất đai, quản lý, sử dụng tài sản công, sở hữu trí tuệ, hình sự và quy định của pháp luật khác có liên quan. Về nguyên tắc quản lý, bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa được quy định tại Điều 6 dự thảo Luật.
Về kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, kiểm kê di tích, kiểm kê di sản tư liệu (Điều 11, Điều 23, Điều 54), một số ý kiến đề nghị cân nhắc về tính khả thi đối với quy định mốc thời gian kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, kiểm kê di tích, kiểm kê di sản tư liệu ở địa phương 05 năm một lần và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tổng kiểm kê trên toàn quốc 10 năm một lần.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất bỏ các quy định về Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức kiểm kê định kỳ 5 năm một lần và Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tổng kiểm kê trên toàn quốc 10 năm một lần; danh mục kiểm kê phải được kiểm kê, rà soát, cập nhật hằng năm./.
Mai Anh