Đưa du lịch thành một trong những ngành đi đầu trong kỷ nguyên vươn mình
Ngày đăng: 20/12/2024 13:21
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 20/12/2024 13:21
Ngày 19/12, Bộ VHTTDL tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 08- NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và thi hành Luật Du lịch 2017. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong và Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Nguyễn Trùng Khánh đồng chủ trì Hội nghị.
Hội nghị diễn ra trực tiếp tại Hà Nội và trực tuyến đến 58 điểm cầu trên cả nước với sự tham dự đại diện Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Quốc hội; đại diện Lãnh đạo các cơ quan trực thuộc Bộ VHTTDL, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; các Sở quản lý Du lịch một số địa phương, các Trung tâm thông tin xúc tiến du lịch, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các trường đào tạo du lịch, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp du lịch...
Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Hồ An Phong nhấn mạnh, Nghị quyết số 08- NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và thi hành Luật Du lịch 2017 là những chủ trương, định hướng rất quan trọng của Đảng và Nhà nước đối với phát triển du lịch.
Sau hơn 7 năm triển khai thực hiện, đây là thời điểm phù hợp để tiến hành đánh giá bước đầu việc thực hiện Nghị quyết số 08- NQ/TW và thi hành Luật Du lịch 2017 tiến tới tham mưu các cấp lãnh đạo đánh giá tổng thể việc thực hiện Nghị quyết 08 cũng như thực thi Luật Du lịch.
Từ đó, tiếp tục đề xuất những chủ trương chính sách, quan điểm của Đảng về phát triển du lịch, để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Thứ trưởng Hồ An Phong cho biết, năm 2024, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, du lịch Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ để đạt các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra. Du lịch Việt Nam tính tới thời điểm này đã đạt 17,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 38,9% so với cùng kỳ năm 2023; khách nội địa ước đạt 110 triệu lượt, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh đó, Du lịch Việt Nam cũng giành nhiều giải thưởng quốc tế. Trong 10 sự kiện VHTTDL tiêu biểu năm 2024, có 5 sự kiện về du lịch và các sự kiện liên quan tới du lịch được bình chọn vào danh sách này.
Tại Hội nghị, báo cáo tóm tắt việc thực hiện Nghị quyết 08 và thực thi Luật Du lịch 2017, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy cho biết, sau hơn 7 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW, Du lịch Việt Nam đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, lượng khách du lịch quốc tế liên tục tăng trưởng với tốc độ cao. Nhận thức về du lịch của toàn xã hội có những chuyển biến tích cực. Vị thế của ngành du lịch đối với sự phát triển kinh tế-xã hội đã và đang được định hình.
Đến nay du lịch là điểm sáng trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Sự tăng trưởng của ngành đã tác động lan tỏa đến nhiều ngành, lĩnh vực khác; tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống, cải thiện diện mạo đô thị và nông thôn; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc.
Với tư cách là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành và tính xã hội hoá cao, sự phát triển của du lịch thời gian qua cũng đã góp phần thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực khác.
Du lịch góp phần tạo sinh kế bền vững, tăng thu nhập, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đặc biệt là cộng đồng sinh sống tại các khu du lịch, điểm du lịch và đồng bào sinh sống tại vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo tham gia làm du lịch cộng đồng với nhiều hình thức.
Ngoài ra, du lịch cũng có vị trí, vai trò quan trọng đối với công tác bảo vệ môi trường. Phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, du lịch sinh thái, hình thành các sản phẩm, dịch vụ du lịch xanh, gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với môi trường sẽ góp phần tích cực giảm thiểu phát thải khí nhà kính.
Theo Phó Cục trưởng Phạm Xuân Thủy, mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đòi hỏi nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí là một ngành kinh tế, hoạt động theo cơ chế thị trường, sự tham gia, vào cuộc của nhiều ngành, sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, sự huy động nguồn lực của xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, nhận thức của các, cấp các ngành địa phương về nhiệm vụ phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn còn chưa đồng đều.
Sự phối kết hợp liên ngành liên vùng chưa đồng bộ, không thường xuyên và thiếu chặt chẽ cả trong nhận thức và hành động, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Nhiều địa phương có tiềm năng dư địa để phát triển du lịch vẫn còn thiếu định hướng rõ ràng để phát triển, nhiều địa phương không có đầy đủ tiềm năng nhưng vẫn định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn nên dẫn đến tình trạng đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, gây lãng phí.
Ông Phạm Xuân Thủy cho biết, mục tiêu đến năm 2025 ngành du lịch phục hồi hoàn toàn như trước đại dịch. Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch cao trên toàn cầu. Phấn đấu đón 18 triệu lượt khách quốc tế; 130 triệu lượt khách nội địa, duy trì tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 8 - 9%/năm. Đóng góp trực tiếp từ 6 - 8% trong GDP.
Đến năm 2030 du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, tăng tỷ trọng đóng góp trong GDP, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh. Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn có năng lực phát triển du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng về cơ bản các yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững. Đón 35 triệu lượt khách quốc tế, tốc độ tăng trưởng từ 13 - 15%/năm; đón 160 triệu lượt khách nội địa, tốc độ tăng trưởng khách nội địa từ 4 - 5%/năm. Đóng góp trực tiếp từ 10 - 13% trong GDP.
Công tác quản lý Nhà nước về du lịch đã được các cấp, các ngành triển khai đồng bộ
Về kết quả triển khai thi hành Luật Du lịch năm 2017, Phó Cục trưởng Phạm Xuân Thủy cho biết, sau khi Luật Du lịch năm 2017 và các văn bản hướng dẫn liên quan được ban hành, nhằm cụ thể hoá các quy định của Luật Du lịch, tại địa phương, các sở, ban, ngành đã tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành các quyết định, văn bản hướng dẫn, chương trình, kế hoạch, đề án để triển khai các nhiệm vụ phát triển du lịch đạt được hiệu quả.
Ngành Du lịch luôn chú trọng, quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả công tác kiểm tra, rà soát hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn thi hành Luật Du lịch và các văn bản khác có liên quan.
Việc kiểm tra tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực du lịch nhằm đánh giá công tác tham mưu xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực du lịch.
Đồng thời, theo dõi tình hình thi hành các quy định pháp luật trong lĩnh vực du lịch hằng năm để đánh giá khách quan và kiến nghị phương án xử lý phù hợp, bảo đảm hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, đồng thời phù hợp với thực tiễn.
Bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước về du lịch đã được các cấp, các ngành triển khai đồng bộ bằng các giải pháp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Căn cứ các quy định pháp luật của Luật Du lịch năm 2017 và các quy định khác có liên quan, các địa phương đã ban hành nhiều văn bản, chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư cho du lịch.
Đưa du lịch thành một trong những ngành đi đầu trong kỷ nguyên vươn mình
Tại Hội nghị, các đại biểu đã phát biểu, trao đổi các ý kiến liên quan làm rõ những thuận lợi, khó khăn, những mặt đạt được và tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai Nghị quyết số 08- NQ/TW và thi hành Luật Du lịch 2017. Đồng thời, nêu ra các kiến nghị, giải pháp hoàn thiện thể chế, góp phần phát triển thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như mục tiêu của Nghị quyết 08.
Kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Hồ An Phong một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của Nghị quyết số 08- NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và Luật Du lịch năm 2017.
"Trong lịch sử phát triển của ngành du lịch, Nghị quyết số 08- NQ/TW và Luật Du lịch 2017 đã tạo ra chủ trương to lớn, có ý nghĩa đột phá, tạo sự chuyển biến rất mạnh mẽ của du lịch Việt Nam. Nghị quyết số 08- NQ/TW và Luật Du lịch 2017 đã thay đổi nhận thức và nâng cao vị thế của du lịch", Thứ trưởng khẳng định.
Cảm ơn các ý kiến đóng góp tại hội nghị, Thứ trưởng mong muốn sẽ nhận được nhiều hơn nữa những ý kiến góp ý từ các chuyên gia, doanh nghiệp, các địa phương... để hoàn thiện các văn bản, đưa du lịch Việt Nam phát triển phù hợp với bối cảnh mới của đất nước.
Theo Thứ trưởng Hồ An Phong, đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình và ngành du lịch có đủ cơ sở, điều kiện để trở thành một trong những ngành đi đầu trong kỷ nguyên mới.
"Chúng ta có cơ sở về tài nguyên, con người, nếu chúng ta tập trung đồng bộ, thống nhất về nhận thức và hành động trong cả nước thì hoàn toàn có đủ cở sở để khẳng định du lịch là một trong những ngành đi đầu trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", Thứ trưởng khẳng định./.
Mai Anh (BT)