Hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di chỉ khảo cổ học Thác Hai lần thứ 3 năm 2024
Ngày đăng: 15/09/2024 08:53
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 15/09/2024 08:53
Ngày 13/9, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Bảo tàng Đắk Lắk tổ chức Hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật di chỉ khảo cổ học Thác Hai (lần 3 năm 2024) tại thôn 6, xã Ia jlơi, huyện Ea Súp, Hội nghị diễn ra tại đơn vị.
Tham dự có Đ/c Lại Đức Đại, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và đại diện các Phòng, đơn vị trực thuộc Sở VHTTDL; đại diện Phòng KGVX - Văn phòng UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Ea Súp và các cơ quan, đơn vị trực thuộc huyện Ea Súp, Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTQ Việt Nam và các tổ chức đoàn thể xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp; cán bộ văn hóa xã Ia Jlơi và đại diện hộ gia đình có đất di tích Thác Hai; phóng viên báo đài Trung ương, địa phương đến dự và đưa tin.
Theo Báo cáo tại Hội nghị, Di tích Thác Hai thuộc thôn 6, xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk, được Bảo tàng Đắk Lắk phát hiện năm 2020. Sau đó, di chỉ được khai quật lần thứ nhất vào tháng 3/2021; lần thứ hai từ tháng 11/2021 đến tháng 5/2022, với sự phối hợp của Bảo tàng Lịch sử quốc gia. Tại Báo cáo đợt khai quật lần thứ nhất đã đưa ra những nhận định khoa học quan trọng về di chỉ này; Báo cáo sơ bộ lần khai quật thứ hai cũng đưa ra những kiến nghị khẩn cấp đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di chỉ, một trong số đó là việc tiếp tục khai quật và khẩn trương lấy lên khỏi lòng đất những di vật khảo cổ quan trọng trước khi nó hoàn toàn biến mất bởi những cơn lũ trên dòng sông Ea H’Leo. Năm 2024, Bảo tàng Đắk Lắk tiếp tục nghiên cứu, khai quật di chỉ khảo cổ học Thác Hai lần thứ ba (từ ngày 26/6/2024 đến ngày 28/7/2024) theo Quyết định số 1504/QĐ-BVHTTDL, ngày 06/6/2024 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Sau hơn 1 tháng tiến hành khai quật, Đoàn khai quật đã thu thập được các di vật, hiện vật phong phú, với những thông tin khoa học quan trọng. Đăc biệt, có một số phát hiện mới so với 2 lần khai quật trước đó, góp phần làm rõ thêm nội dung văn hóa và tính chất của di tích Thác Hai. Kết quả khai quật:
- Hố khai quật: Diện tích 20m² (4m x 5m), độ sâu 2,3m, tầng văn hóa của di chỉ Thác Hai có độ dày khoảng 2m đến 2,3m, điều này thể hiện sự cư trú lâu dài và liên tục của cư dân cổ, cụ thể:
- Di tích: Phát hiện 11 cụm gốm, mộ táng; đáng chú ý đã phát hiện 5 dọi se sợi nằm xung quanh.
- Di vật: Thu được 1.388 di vật.
- Đồ đá: Đồ đá là loại di vật chủ đạo, trong đó chiếm số lượng nhiều nhất là sưu tập mũi khoan, bàn mài, rìu, mảnh dao, hòn ghè và bàn kê: Bàn mài (92 hiện vật); các tiêu bản, gồm: Mũi khoan (844 mũi các loại); Mảnh trang sức (38); Hạt chuỗi (06); Phôi hạt chuỗi hình trụ tròn (01); Mảnh đá trang sức (01); Rìu/bôn (12); Mảnh vỡ công cụ (48); Hòn ghè (08); Hòn kê (02); Dao đá (32).
- Đồ gốm: Phát hiện 05 dọi se sợi hình chóp nón cụt, nằm cạnh các mộ táng. Trong đó có 2 tiêu bản, trên mặt chóp nón có hoa văn, là dạng văn khắc vạch. Đây là lần đầu tiên phát hiện được loại hình hiện vật này, điều này minh chứng cho hoạt động dệt vải được phổ biến tại khu vực này.
- Đồ thủy tinh: Tìm thấy trong hố khai quật hầu hết là loại hình hạt chuỗi. Trong hố khai quật 20m² đã thu thập được 92 hạt chuỗi.
Sau Hội nghị, Bảo tàng Đắk Lắk tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện nội dung Hồ sơ khoa học về kết quả khai quật lận thứ 3 báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đồng thời kiến nghị cấp có thẩm quyến cho phép tiếp tục khai quật di chỉ khảo cổ nhằm tìm kiếm, phát hiện mới những những hiện vật gốc còn nằm trong lòng đất bổ sung vào Sưu tập mũi khoan đá Thác Hai, niên đại: 4.000 - 3.000 năm cách ngày nay; hiện lưu giữ tại Bảo tàng Đắk Lắk đã được công nhận là Bảo vật quốc gia (Đợt 12, năm 2023) tại Quyết định số 73/QĐ-TTg, ngày 18/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ; từ đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản trong những năm tiếp theo - ông Trân Quang Năm, Phó Giám đốc Bảo tàng Đắk Lắk cho biết./.
Châu Anh