Hội nghị Sơ kết thực hiện Kế hoạch phối hợp giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch giai đoạn 2021-2023
Ngày đăng: 06/03/2024 08:06
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 06/03/2024 08:06
Ngày 05/3/2024, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị Sơ kết thực hiện Kế hoạch phối hợp giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch giai đoạn 2021-2023; ký kết Kế hoạch phối hợp giai 2024 – 2025, định hướng đến năm 2030. Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Hoài Dương, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng chí Thái Hồng Hà, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các đồng chí Ban Giám đốc, cùng Lãnh đạo các phòng chuyên môn của 02 Sở.
Thực hiện Kế hoạch phối hợp số 3398/KHPH-SNN&PTNT-SVHTTDL ngày 21/10/2021 giữa Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch về xây dựng đời sống văn hoá, phát triển du lịch nông thôn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá trong Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch cùng chủ động tuyên truyền, triển khai phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Phong trào “Đắk Lắk chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Nhiều giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy; công tác quản lý và tổ chức lễ hội từng bước đi vào nề nếp; nhiều tấm gương điển hình tiên tiến được lan tỏa và nhân rộng, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về mục đích, ý nghĩa của phong trào trong xây dựng và phát triển đất nước.
Công tác xây dựng đời sống văn hoá, phát triển du lịch nông thôn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá trong Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đã các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể chú trọng triển khai thực hiện, qua đó thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm chăm lo xây dựng và phát triển văn hóa, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân. Phát triển văn hóa nông thôn thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, các thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng và phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, sáng tạo văn hóa, nghệ thuật, thể thao và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Việc đầu tư xây dựng hệ thống thiết văn hóa cơ sở, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương quan tâm. Cơ bản đáp ứng nhu cầu tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, giao lưu văn hóa, giải trí và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống như: Phục vụ tổ chức các hội nghị, họp mặt, tọa đàm, hội thảo, sinh hoạt chuyên đề tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sinh hoạt của Đảng viên, Nhân dân, phổ biến kiến thức pháp luật, bình xét các danh hiệu văn hóa, các lớp dạy nghề, sinh hoạt câu lạc bộ gia đình, hội thi, liên hoan văn nghệ, diễn tấu cồng chiêng, biểu diễn dân ca dân vũ... Do vậy, hiệu quả của công tác này đã đi vào chiều sâu và có chất lượng cao, đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân trong triển khai thực hiện, đã có nhiều tác động thiết thực đến đời sống, kinh tế, xã hội, bộ mặt của thành thị, nông thôn được đổi mới.
Phát triển du lịch nông nghiệp đã được nhiều cá nhân, doanh nghiệp đặc biệt quan tâm triển khai thực hiện và đã đạt được hiệu quả bước đầu, tuy nhiên hiện nay hoạt động đầu tư phát triển loại hình du lịch nông nghiệp đang gặp rất nhiều bất cập từ quy định pháp lý, cụ thể: Luật Đất đai năm 2013, chưa có sự rõ ràng về khái niệm du lịch nông nghiệp. Dưới góc độ xác lập khung pháp lý phát triển du lịch nông nghiệp, có thể thấy chỉ dừng lại ở việc sử dụng đất vào mục đích nông nghiệp, bao gồm sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối, chưa có sự tích hợp, kết nối gắn kết giữa mục đích sử dụng đất nông nghiệp với phát triển du lịch. Chính vì chưa có sự định danh, giải mã khái niệm đất du lịch nông nghiệp, nên pháp luật đất đai hiện hành cũng chưa quy định cụ thể đất du lịch nông nghiệp thuộc nhóm đất nông nghiệp hay nhóm đất phi nông nghiệp (loại đất thương mại, dịch vụ), kéo theo các vấn đề liên quan gây khó khăn đến hoạt động đầu tư du lịch nông nghiệp như: đầu tư, xây dựng, ưu đãi trong tiếp cận đất đai, miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và các nghĩa vụ tài chính về đất đai khác... trong đó nổi cộm nhất hiện nay là vấn đề xây dựng trên đất nông nghiệp nhằm phục vụ đầu tư phát triển du lịch (nông nghiệp) hiện đang diễn ra tại rất nhiều địa phương trên cả nước trong đó có Đắk Lắk. Đây là “rào cản” pháp lý đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước muốn thực hiện dự án phát triển du lịch nông nghiệp. Việc thiếu khung pháp lý về đất du lịch nông nghiệp khiến nhà đầu tư băn khoăn, không yên tâm đầu tư băn khoăn, không yên tâm đầu tư vào lĩnh vực phát triển du lịch nông nghiệp.
Thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk thống nhất ban hành Kế hoạch phối hợp về Phát triển du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Lắk đến năm 2025, định hướng đến năm 2035. Tiếp tục Triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; Quyết định số 2939/QĐ-UBND ngày 25/10/2021 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án Phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Đắk Lắk đến năm 2025, định hướng đến năm 2035; Phát huy tối đa nguồn lực, tiềm năng hiện có của hai ngành để xây dựng tổ chức các hoạt động phát triển du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; xây dựng mạng lưới điểm đến du lịch, sản phẩm nông nghiệp du lịch, du lịch nông nghiệp; Tăng cường phối hợp giữa Sở Nông nghiệp và PTNT và Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk nhằm nâng cao chất lượng các hoạt động phát triển du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới./.
Lâm Anh