Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ - Dliê Ya, nơi ra đời Đoàn Ca múa Dân tộc tỉnh Đắk Lắk
Ngày đăng: 28/04/2022 08:28
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 28/04/2022 08:28
Nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Đắk Lắk, vùng rừng núi CưJŭ – DliêYa rộng hàng chục ngàn hécta, giáp ranh với các tỉnh Gia Lai, Phú Yên, Khánh Hoà. Theo ngôn ngữ của người Êđê, CưJŭ có nghĩa là núi đen, Dliê Ya có nghĩa là vùng rừng rộng lớn. Với địa thế là vùng núi non hiểm trở và có tầm quan trọng chiến lược nên nơi đây đã được Uỷ ban Kháng chiến tỉnh Đắk Lắk chọn xây dựng thành căn cứ địa kháng chiến của tỉnh chống quân xâm lược Pháp. Bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ, vùng rừng núi CưJŭ – DliêYa tiếp tục được Tỉnh ủy Đắk Lắk chọn làm nơi xây dựng căn cứ kháng chiến vững chắc từ 1955 – 1975. Nơi đây ghi dấu sự trưởng thành của Đảng bộ và chính quyền cách mạng tỉnh Đắk Lắk. Tại khu căn cứ CưJŭ – DliêYa, Tỉnh uỷ Đắk Lắk đã tổ chức ba lần Đại hội Đảng bộ tỉnh: Đại hội I (tháng 8/1960), Đại hội II (tháng 8/1963) và Đại hội VI (tháng 9/1973) đề ra những chính sách và sự chỉ đạo kịp thời để lãnh đạo cách mạng tỉnh nhà.
Kinh qua các thời kỳ lịch sử trọng đại của tỉnh, Khu căn cứ kháng chiến CưJŭ – DliêYa còn là nơi gi dấu sự ra đời của Đoàn Ca múa Dân tộc tỉnh Đắk Lắk. Từ đầu năm 1960, để tăng cường sự chỉ đạo đẩy mạnh phong trào cách mạng ở các địa bàn phía nam tỉnh Đắk Lắk, Liên khu ủy V quyết định chia tỉnh Đắk Lắk ra làm bốn đơn vị riêng: B3, B4, B5,B6, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Liên tỉnh IV và Liên khu ủy V. Ngày 26/4/1962, tại vùng rừng núi CưJŭ – DliêYa, Đoàn Văn công B3 được thành lập để kịp thời đáp ứng các nhiệm vụ cách mạng. Từ những ngày đầu thành lập, tuy đội ngũ còn it, lại chưa được đào tạo bài bản, nhưng với lòng yêu nước, ý chí vượt qua khó khăn, cộng thêm với năng khiếu văn nghệ, nhiều ca sĩ, diễn viên là người dân tộc thiểu số đã gia nhập và phục vụ trong Đoàn. Nhạc cụ lúc đó chủ yếu là đàn Tơ-rưng, đing năm, chiêng, kèn…Các sáng tác và chương trình biểu diễn của Đoàn ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, tình cảm với cách mạng, với Nhân dân, tinh thần quyết tâm đánh thắng giặc xâm lược…Tháng 9/1965, trước những chuyển biến của phong trào cách mạng tại Đắk Lắk, Khu ủy quyết định giải thể Liên tỉnh ủy B3, B5, đồng thời hợp nhất các B thành tỉnh Đắk Lắk nhằm thống nhất chỉ đạo phong trào cách mạng trong giai đoạn mới. Lúc này, Đoàn Văn công B3 hợp nhất với Đoàn Văn công B5, thành Đoàn Văn công Đắk Lắk. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975, Đoàn vẫn giữ tên gọi là Đoàn Văn công Đắk Lắk. Đến năm 1978, đổi tên Đoàn Ca múa Đắk Lắk. Năm 1991, đổi tên thành Đoàn Ca múa Dân tộc tỉnh Đắk Lắk. Tên gọi đó tồn tại cho đến ngày nay.
Ngày 26/4/2022, Đoàn Ca múa Dân tộc tỉnh Đắk Lắk sẽ kỷ niêm 60 năm thành lập. Với bề dày truyền thống của mình, trong 60 năm qua, Đoàn đã xây dựng nhiều chương trình ca múa nhạc dân tộc độc đáo, tham gia các hội diễn, hội thi, liên hoan ca múa nhạc ở Trung ương và khu vực, đạt được nhiều giải thưởng cao. Chương trình của Đoàn đã gây được ấn tượng sâu sắc đối với khán giả tại các nước: Pháp, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Campuchia…Nhiều nghệ sĩ, ca sĩ của Đoàn đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT như: Cố nghệ sĩ Y Moan Êñuôl, Vũ Lân, Y San Aliŏ, Mỹ Thanh...Đoàn cũng được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba. Phát huy những thành quả đạt được, Đoàn Ca múa Dân tộc tỉnh Đắk Lắk vẫn đang vững bước trên con đường nghệ thuât, góp phần quan trọng vào sự nghiệp bảo tồn, phát huy và quảng bá các giá trị văn hóa của tỉnh nhà.
Minh Khoa