Liên kết du lịch các địa phương: Cần bốn yêu cầu để bền vững
Ngày đăng: 15/11/2024 13:16
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 15/11/2024 13:16
Mới đây, ngành Du lịch Đắk Lắk đã tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá 5 năm triển khai liên kết phát triển du lịch cùng 17 tỉnh thành trong cả nước. Đây là lần đầu tiên, một địa phương nhìn lại thực trạng và đặt vấn đề định hướng tiếp phương diện xúc tiến đầu tư vào du lịch, ngành kinh tế được xem là mũi nhọn của nhiều tỉnh thành.
Vấn đề được Đắk Lắk và các địa phương liên kết cùng nghiêm túc nhìn nhận, cạnh những lợi thế, thành công nhất định, còn nhiều vướng mắc, hạn chế trong việc kết nối, tổ chức phát triển du lịch cả về bề rộng lẫn bề sâu. Có ít nhất 4 nội dung quan trọng đáng lưu ý với các địa phương, nếu muốn tiếp tục xây dựng cơ hội tăng trưởng du lịch tốt hơn.
Còn nhiều bất cập…
Báo cáo đánh giá của Sở VHTTDL Đắk Lắk cho biết, từ năm 2019 – 2024, địa phương này đã tiến hành ký kết hợp tác phát triển du lịch với 17 tỉnh thành trong cả nước: Hà Nội, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Gia Lai, Kon Tum, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, và Bà Rịa – Vũng Tàu…
Đây thực sự là một nỗ lực rất lớn của ngành Du lịch địa phương này trong mục tiêu ngày càng đa dạng hóa năng lực tổ chức, hoạt động, thu hút thành công du khách trong và ngoài nước, lan tỏa những giá trị văn hóa lịch sử, danh lam thắng cảnh đất và người…
Ông Nguyễn Sơn Hưng, Trưởng phòng Quản lý du lịch (Sở VHTTDL Đắk Lắk) nhìn nhận, về cơ bản, công tác kết nối, hợp tác nghiên cứu cùng tổ chức những hoạt động, sự kiện quảng bá du lịch, thông tin văn hóa… giữa các địa phương, đều nhận được phản hồi tích cực từ các tỉnh thành hợp tác.
Đã có nhiều hoạt động liên kết tổ chức, kết nối, thí điểm đưa các đoàn khách giao lưu, khám phá, tham gia các sự kiện, lễ hội giữa các địa phương, đã được thực hiện trong thời gian qua.
Vấn đề cùng phát huy vai trò các điểm đến hấp dẫn hơn giữa Đắk Lắk và các địa phương đã được bồi đắp. Nhất là câu chuyện “chuyển hóa du lịch” từ rừng xuống biển, từ đô thị đến biên cương… được các tỉnh thành quan tâm, nhằm đa dạng hóa thành công các điểm đến, các sản phẩm du lịch đặc hữu ở từng địa phương…
Tuy nhiên, do mới trải qua một thời gian ngắn, nên hoạt động liên kết, hợp tác vẫn chưa đạt các tiêu chí bền vững, chưa duy trì tốt các cơ chế đã thỏa thuận, như về xây dựng tour, tuyến du lịch gắn với các sự kiện địa phương; một số địa phương chưa tích cực tham gia các sự kiện, hội chợ du lịch ở từng khu vực liên kết.
Các tỉnh thành chưa có được chiến lược xúc tiến, quảng bá du lịch chung ở các hội nghị, hội thảo chuyên đề, hướng đến các thị trường trọng điểm trong và ngoài nước. Công tác quảng bá, xúc tiến vẫn hạn chế, chưa tạo được hình ảnh chung về du lịch các địa phương để quảng bá truyền thông. Vai trò các doanh nghiệp đầu tư tại các chương trình liên kết chưa được thể hiện đặc sắc, khiến việc tổ chức các sự kiện văn hóa du lịch chung giữa các địa phương chưa mạnh mẽ.
Bốn nội dung cần bắt tay
Theo đánh giá chung giữa các địa phương tại hội nghị liên kết, có 4 nội dung cần được du lịch 18 tỉnh thành bắt tay đầu tư, thúc đẩy tốt hơn, để những nội dung liên kết du lịch trở thành hiện thực hiệu quả.
Thứ nhất, việc hợp tác xúc tiến, truyền thông, quảng bá du lịch ở các địa phương phải tích cực hơn, tạo thế liên kết, phối hợp mạnh mẽ, để các địa phương tham gia đầy đủ các chương trình hành động chung, nhất là các hoạt động xúc tiến từ Cục Du lịch Quốc gia, Hiệp hội Du lịch Việt Nam.
Sở Du lịch các tỉnh thành phải tăng cường truyền thông, giới thiệu thông tin, hình ảnh các tỉnh thành trong nhóm liên kết; đa dạng hóa, số hóa các hoạt động thông tin truyền thông này để lan tỏa các giá trị quảng bá, định hình nhiều nền tảng thông tin du lịch.
Thứ hai, các địa phương cần mạnh dạn hợp tác trao đổi thông tin về phát triển, quy hoạch và kêu gọi đầu tư du lịch; chia sẻ các kinh nghiệm quản lý Nhà nước, vận động xã hội hóa về phát triển du lịch; xây dựng các nhóm chuyên gia, nhà tư vấn; thu hút được nhiều nguồn vốn đầu tư chiều sâu vào các sản phẩm tại các khu, điểm du lịch; cùng hợp tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá, di tích ở từng địa bàn, cùng tạo các nhóm sản phẩm đặc hữu phục vụ khách du lịch…
Thứ ba, các tỉnh thành cần tăng cường hợp tác phát triển các sản phẩm du lịch, có chính sách, giải pháp xây dựng các nhóm sản phẩm du lịch liên kết phù hợp, làm nổi bật đặc trưng ở mỗi địa phương, tăng sức hút các điểm đến, nhất là phối hợp với các thương hiệu doanh nghiệp đặc trưng, bản địa.
Cần định hướng các nhóm doanh nghiệp đặc thù có các chương trình, hoạt động chung, kết nối hấp dẫn các điểm đến với nhau, bằng những chủ đề, chủ điểm du lịch phù hợp và hấp dẫn, như xây dựng các điểm nhấn từ duyên hải miền Trung về Tây Nguyên, vận động đưa du khác từ Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh về các tỉnh thành liên kết…
Cuối cùng, các tỉnh thành cần tăng cường hợp tác phát triển nguồn nhân lực du lịch tại chỗ, không ngừng nghiên cứu đẩy mạnh hợp tác, giao lưu cùng nhau, cùng đào tạo, bổ sung năng lực về con người, nhất là thông qua các nhóm các doanh nghiệp du lịch, đội ngũ hướng dẫn viên ở các địa bàn. Phải xác định chính đội ngũ con người làm du lịch tại các tỉnh thành sẽ là cơ sở quan trọng để chuyển hóa thành công các ý tưởng, vấn đề liên kết du lịch thành hiện thực.
Ông Thái Hồng Hà, Giám đốc Sở VHTTDL Đắk Lắk bày tỏ, 4 nội dung cần được quan tâm sẽ giúp hoạt động kết nối du lịch giữa địa phương này và các tỉnh thành thực sự đạt được hiệu quả để thành công!
Nguồn: Báo Văn hóa