Ngày 08/9/2023, tại TP. Pleiku, UBND tỉnh Gia Lai và UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp tổ chức Hội nghị khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích căn cứ kháng chiến Cư Jŭ-Dliê Ya
Ngày đăng: 12/09/2023 14:21
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 12/09/2023 14:21
Bà H’Yim Kđoh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk và Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai đồng chủ trì Hội nghị. Dự Hội nghị còn có các nhân chứng lịch sử, các đồng chí lão thành cách mạng của tỉnh Đắk Lắk; lãnh đạo sở, ban, ngành, địa phương liên quan của 2 tỉnh.
Dliê Ya là là một dãy núi lớn nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Đắk Lắk án ngữ giữa
huyện Cheo Reo và huyện Buôn Hồ. Với địa thế là vùng núi non hiểm trở có tầm chiến lược, dãy núi Dliê Ya được Ủy ban Kháng chiến tỉnh Đắk Lắk chọn để xây dựng căn cứ địa kháng chiến của tỉnh; là căn cứ đầu não, gắn liền với sự phát triển của cách mạng tỉnh Đắk Lắk nói riêng và Tây Nguyên nói chung; là nơi ghi dấu sự trưởng thành của Đảng bộ và chính quyền cách mạng tỉnh Đắk Lắk. Trong giai đoạn từ 1954-1975, Tỉnh ủy đã tổ chức 3 kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh để lãnh đạo quân và dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk đấu tranh, giành thắng lợi quan trọng trong kháng chiến chống Mỹ.
Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ-Dliê Ya đã đóng góp cho lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc kinh nghiệm xây dựng căn cứ địa cách mạng và phát triển chiến tranh du kích vùng địch hậu. Khu căn cứ đứng vững trong suốt 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ, đóng vai trò là cơ quan đầu não của tỉnh Đắk Lắk vì địa thế hiểm yếu và xây dựng được thế trận lòng dân vững vàng. Cũng tại đây, tỉnh Đắk Lắk đã lập các kho muối, gạo, thuốc men, vũ khí, tạo thành một trạm trung chuyển phân phát giữa vùng giải phóng của các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ lên Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ.
Trong 2 cuộc kháng chiến, Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ-Dliê Ya thuộc địa phận tỉnh Đắk Lắk. Tuy nhiên, theo Nghị quyết của Quốc hội Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam ngày 12/8/1991 về việc điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thì hiện nay, Khu căn cứ kháng chiến Čư Jŭ - Dliê Ya thuộc địa phận xã Uar và xã Cư Drăng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai. Thuộc đất rừng được Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam sông Ba (tỉnh Gia Lai) quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt nên chưa bị tác động, ảnh hưởng xấu đến di tích.
Tại Hội nghị, các nhân chứng lịch sử, các đồng chí lão thành cách mạng và các đại biểu tập trung thảo luận một số vấn đề như: thống nhất tên gọi di tích lịch sử Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ-Dliê Ya; diện tích khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích; khẳng định vai trò, giá trị lịch sử, văn hóa của di tích và đề xuất cơ chế phối hợp giữa các ngành, địa phương của 2 tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk đối với công tác bảo tồn, tu bổ, tôn tạo, phục dựng, quảng bá và phát huy giá trị di tích trong thời gian tới… trên cơ sở đó, Bộ phận tham mưu tổng hợp ý kiến để hoàn thiện hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích lịch sử quốc gia đối với Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ-Dliê Ya.
Trên cơ sở các báo cáo tham luận, ý kiến thảo luận của các đại biểu, Hội nghị đã thống nhất một số nội dung như sau:
- Tên gọi được thống nhất sử dụng trong hồ sơ khoa học: Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ - Dliê Ya (thuộc địa bàn xã Uar và xã Chư Đrăng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai).
- Tổng diện tích khoanh vùng các khu vực bảo vệ của Di tích lịch sử: 19,8 ha. Trong đó, khu vực bảo vệ I là 7,0 ha; Khu vực bảo vệ II là 12,8 ha.
Sau khi di tích được xếp hạng, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai và Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk sẽ phối hợp cùng các cấp, các ngành, địa phương nghiên cứu, xây dựng phương án bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích; tham mưu xây dựng, ban hành Quy chế phối hợp giữa hai địa phương để Di tích lịch sử Khu căn cứ kháng chiến Cư Jŭ - Dliê Ya mãi là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Thu Hoài