Nhiều vấn đề về thể chế, chính sách, nguồn lực cần được giải quyết để phát triển văn hóa
Ngày đăng: 19/12/2022 14:40
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 19/12/2022 14:40
Trong khuôn khổ Hội thảo Văn hóa 2022, Toạ đàm bàn tròn chiều 17/12, nhà báo Lê Quang Minh – Tổng Giám đốc Kênh Truyền hình Quốc hội đã điều phối thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến việc hoàn thiện các thể chế, chính sách, huy động các nguồn lực cho sự phát triển của văn hoá.
Toạ đàm có sự tham gia của các nhà quản lý, chuyên gia như: Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT ông Trần Duy Đông, Giám đốc Sở VHTT Thừa Thiên Huế Phan Thanh Hải, PGS.TS Trần Đình Thiên- nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhà văn Hữu Việt.
Thể chế, chính sách cho "hồi hương" cổ vật
Câu chuyện về hành trình đàm phán "hồi hương" ấn vàng "Hoàng đế chi bảo" tiếp tục được các đại biểu tham dự Hội thảo Văn hóa năm 2022 nhắc đến. Liên quan đến "hành trình" hồi hương vẫn đang nóng hổi tính thời sự này, nhà báo Lê Quang Minh đặt câu hỏi với Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông: "Vấn đề đưa cổ vật về nước đang rất được dư luận quan tâm. Từ những vụ việc liên quan đến kim ấn "Hoàng đế chi bảo" như vừa rồi, tới đây Bộ VHTTDL sẽ có những định hướng như thế nào cho việc "hồi hương" cổ vật?". Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nêu, vấn đề quản lý cổ vật được quy định tương đối rõ trong các quy định pháp luật, các quy ước quốc tế. Luật Di sản văn hóa trong thời gian qua cũng đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi trong việc quản lý cổ vật.
"Thời gian qua, có nhiều tin tức về các cổ vật của Việt Nam vì nhiều lý do đang "lưu lạc" tại nhiều quốc gia trên thế giới mà chưa có điều kiện hồi hương. Bộ VHTTDL đã có định hướng thống kê các cổ vật này, có lộ trình cụ thể để thống nhất với các Ban, Bộ, ngành, trình Thủ tướng Chính phủ để từng bước tiến hành đưa những cổ vật hồi hương", Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho hay.
Theo Thứ trưởng, câu chuyện đưa cổ vật hồi hương chịu sự tác động và điều chỉnh bởi những quy định quốc tế, mối quan hệ với nước bạn, hình thức phối hợp tư nhân với nhà nước. Thời gian tới đây, khi tiến hành sửa đổi Luật Di sản văn hóa, Bộ VHTTDL sẽ tham mưu để có những thay đổi, hoàn thiện về thể chế, chính sách, như vấn đề ưu đãi thuế để tạo điều kiện thuận lợi, huy động được nguồn lực thực hiện việc đưa cổ vật "hồi hương".
Đưa cổ vật "hồi hương" cũng là nội dung được Giám đốc Sở VHTT Thừa Thiên Huế Phan Thanh Hải tâm huyết nêu lên tại tọa đàm. Ông Hải cho hay, Thừa Thiên Huế luôn coi việc trùng tu, bảo tồn di sản văn hóa là nhiệm vụ quan trọng. Lãnh đạo tỉnh, Sở VHTT đã rất coi trọng việc huy động nguồn lực ngân sách, xây dựng quỹ bảo tồn di sản.
Theo ông Hải, để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng của di sản văn hóa và bảo vệ bản sắc văn hóa, Quốc hội có Nghị quyết về việc cho phép Thừa Thiên Huế thực hiện thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù. Trong đó, cho phép Thừa Thiên Huế giữ lại toàn bộ nguồn thu từ phí tham quan để thực hiện việc trùng tu, bảo vệ di sản và cho phép thành lập Quỹ Bảo tồn di sản văn hóa Huế. Đây là Quỹ do Chính phủ thành lập nhưng giao cho Thừa Thiên Huế quản lý, quỹ này có thể được sử dụng trực tiếp cho việc trùng tu, bảo tồn, phát huy giá trị các di sản đặc thù của cố đô Huế. "Có thể nói, đây là chính sách rất kịp thời", theo Giám đốc Sở Phan Thanh Hải.
Ông Phan Thanh Hải cũng cho biết, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế luôn xem văn hóa di sản là thế mạnh. Vì vậy, ứng xử với văn hóa di sản luôn được dành sự ưu tiên đặc biệt. HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết hỗ trợ thành lập hệ thống bảo tàng ngoài công lập. Trong thời gian ngắn, Thừa Thiên Huế đã thành lập được 5 bảo tàng ngoài công lập và hoạt động rất hiệu quả. "Thừa Thiên Huế cũng đã ưu tiên nguồn lực và thể hiện tinh thần dũng cảm, mạnh dạn trong vấn đề "hồi hương" cổ vật, gần nhất là câu chuyện về "hồi hương" kim ấn "Hoàng đế chi bảo", ông Phan Thanh Hải nêu.
Văn hóa đã thực sự được ưu tiên?
Trong phần tọa đàm, thảo luận bàn tròn, nhà báo Lê Quang Minh đặt vấn đề đối với Thứ trưởng Bộ KH & ĐT Trần Duy Đông: Số vốn ngân sách Trung ương từ nguồn đầu tư trung hạn giai đoạn này cho phát triển văn hóa là 9.466 tỷ đồng, tức là gấp 2,26 lần so với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Cụ thể hóa chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Chính phủ vừa có Tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung 2.728 tỷ đồng để đầu tư một số công trình văn hóa. Chưa kể hàng nghìn tỉ đồng từ các chương trình Mục tiêu quốc gia. Con số này có lớn không và nếu so sánh về tỷ trọng trong đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước, vậy hóa đã thực sự được ưu tiên chưa?
Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Trần Duy Đông cho biết, thực hiện chủ trương của Đảng, nhất là từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, các Bộ, ngành, địa phương đã ưu tiên và tăng mức đầu tư cho văn hóa. Tổng vốn đầu tư cho văn hóa giai đoạn 2021 -2025 là 66.500 tỷ, chiếm khoảng 2% trong tổng chi đầu tư. Tỉ lệ này cơ bản đáp ứng theo Chiến lược phát triển văn hóa.
Thứ trưởng Bộ KH &ĐT cho biết thêm, thời gian qua, qua tính toán sơ bộ, hằng năm chi sự nghiệp cho văn hóa thường gấp 3-5 lần chi cho đầu tư phát triển. Điều này thể hiện sự quan tâm của các cấp, các ngành và các địa phương cho văn hoá. Ông Đông khẳng định, vốn đầu tư cho văn hóa lớn bởi đây là lĩnh vực rất rộng. "Hoạt động văn hóa không tạo ra giá trị tài chính trực tiếp, nhưng tạo ra giá trị gia tăng lớn nên trong đánh giá hiệu quả dự án văn hóa, không nên chỉ đánh giá đơn thuần về khía cạnh lợi nhuận kinh tế, mà còn xem xét nhiều khía cạnh như kiến tạo giá trị không gian cảnh quan, tăng cường kết nối, giao lưu, sáng tạo, cộng hưởng", Thứ trưởng Trần Duy Đông nói.
Thứ trưởng Trần Duy Đông cho rằng, giá trị kiến trúc của công trình văn hóa có ý nghĩa rất quan trọng; khi công trình hoàn thành thì sự sáng tạo và thụ hưởng văn hóa từ công trình đó rất có ý nghĩa đối với người dân. Bên cạnh đó, vì vốn của Nhà nước đóng vai trò là "vốn mồi" nên cần được sử dụng hiệu quả, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Thời gian tới cần có thêm chính sách để huy động thêm các nguồn vốn đầu tư khác cho văn hóa.
Tổng Giám đốc Kênh Truyền hình Quốc hội Lê Quang Minh đặt câu hỏi đối với PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam về vấn đề thực hiện mô hình PPP đối với lĩnh vực văn hóa, trong khi hiện nay chúng ta chưa có quy định về PPP trong lĩnh vực văn hóa? Theo ông Trần Đình Thiên, khi nguồn lực nhà nước khan hiếm, cần huy động nguồn vốn xã hội, nguồn vốn tư nhân để giải quyết. Tuy nhiên, ngay trong lĩnh vực kinh tế, việc phối hợp nguồn vốn công tư cũng không phải là điều đơn giản. Về nguyên tắc là có lợi ích, nhưng trong thực tế tiến hành thì rất phức tạp, có thể gây mâu thuẫn xã hội.
Theo PGS.TS Trần Đình Thiên, trên góc nhìn thời đại, với sự chuyển đổi từ lao động chân tay sang lao động trí óc, văn hóa có thể đem lại lợi ích to lớn, đem lại lợi ích cho các nhà đầu tư tư nhân, nên hợp tác công tư là hoàn toàn khả thi và có triển vọng. Tuy nhiên, trong thực tế triển khai, vẫn còn vướng mắc khi có những dự án cụ thể, giá trị lợi ích tài chính đem lại không rõ ràng, gây khó khăn trong triển khai. Vì thế, cần xác định rõ giá trị văn hóa cụ thể trong các dự án để có thể đẩy mạnh việc phối hợp nguồn lực công- tư trong phát triển văn hóa.
Vì sao không có nhà văn lớn và tác phẩm tầm cỡ?
Liên quan đến nguồn lực văn nghệ sĩ, nhà báo Lê Quang Minh đặt câu hỏi với nhà văn Hữu Việt: "Tại sao từ nhiều năm trở lại đây chúng ta không có nhiều tác phẩm lớn, nhà văn lớn? Liệu có phải vì câu chuyện chỉ có vài chục triệu đồng tiền nhuận bút cho một tác phẩm mà tác giả phải "thai ngén" trong cả năm trời?".
Nhà văn Hữu Việt khẳng định, văn học rất cần thể chế, chính sách và nguồn lực cho sự phát triển
Nhà văn Hữu Việt chia sẻ, ở đây không liên quan trực tiếp đến vấn đề tài chính, mà là vấn đề tài năng. Ông Việt cho rằng, tiền bạc cũng không thể ngăn cản được những tài năng nhỏ hoặc là chớm tài năng. Ở đây có một giá trị tinh thần nào đó dẫn dắt để tác giả viết nên tác phẩm của mình. Vì thế, nhà văn Hữu Việt cho rằng vấn đề tiền bạc có liên quan nhưng không quyết định việc có tác phẩm lớn hay có nhà văn lớn. Có nhà văn lớn thì sẽ là một câu chuyện khác.
Nhà văn Hữu Việt cũng khẳng định, văn học rất cần thể chế, chính sách và nguồn lực cho sự phát triển. Theo ông, nhiều hoạt động, nhiều nội dung trong văn hóa chưa được luật hóa, trong đó có lĩnh vực văn học. Nhà văn cũng cần phải biết đường biên được làm gì, không được làm gì. Nắm được điều đó mới mở rộng được sức sáng tạo của người cầm bút. Đến nay, các cơ quan mới đang nghiên cứu để xây dựng Nghị định trong lĩnh vực văn học. Mục tiêu đề ra là khai phá sức sáng tạo của người cầm bút thì Nghị định mới thành công.
"Trong văn học, yếu tố con người là yếu tố quan trọng bởi tính chất đặc thù của bộ môn này. Do đó, chú trọng đầu tư cho con người đóng vai trò quyết định cho phát triển văn học. Đầu tư nguồn lực con người phải đầu tư vào tiềm năng văn học, nằm ở thế hệ trẻ, phải để cộng đồng, thế hệ trẻ thấy được sự khuyến khích, tôn trọng và gánh trên vai trách nhiệm lưu giữ các giá trị "chân - thiện – mĩ" của người Việt.
"Đầu tư cho văn học phải có trọng tâm, trọng điểm, bởi thực tế đầu tư cho văn hóa nói chung và văn học nói riêng còn dàn trải. Đầu tư cho văn học không hẳn là đầu tư cho từng cá nhân người cầm bút mà đầu tư cho các hoạt động văn học, qua đó lan tỏa tình yêu văn học cho thế hệ trẻ", nhà văn Hữu Việt nhấn mạnh./.
Hồng Hà (bhvttdl.gov.vn)