NHÌN LẠI CÔNG TÁC GIA ĐÌNH TRONG GIA ĐÌNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK LẮK NĂM 2023
Ngày đăng: 10/01/2024 08:21
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 10/01/2024 08:21
Công tác gia đình trên địa bàn tỉnh thời gian qua luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền; sự phối hợp của các Sở, ban, ngành và đoàn thể. Từ đó, đã tạo điều kiện để công tác gia đình ngày càng được quan tâm đi vào chiều sâu và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Các sở, ngành, đoàn thể thành viên Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh căn cứ nhiệm vụ được phân công chỉ đạo thực hiện theo dõi, kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện các nội dung của Chỉ thị số 06 - CT/TW, Chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình... tham mưu cho các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình đạt hiệu quả. Thông qua hoạt động kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện công tác gia đình và phòng chống, bạo lực gia đình tại cơ sở giúp cho Ban Chỉ đạo các cấp phát hiện những hành vi vi phạm để chỉ đạo, hướng dẫn giải quyết kịp thời về công tác gia đình. Chỉ đạo duy trì 90 Mô hình phòng, chống bạo lực gia đình, với 603 Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững, 874 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình, 784 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng và 501 đường dây nóng về phòng, chống bạo lực gia đình.
Chỉ đạo, hướng dẫn các ngành, các cấp tổ chức thực hiện các mục tiêu của Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030 và các chương trình, kế hoạch về công tác gia đình gắn với thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”. Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức trong nhân dân về vị trí, vai trò của gia đình trong xã hội hiện nay. Vận động các gia đình đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, đăng ký thực hiện Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình; nhân rộng các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; mô hình gia đình làm kinh tế giỏi; mô hình gia đình hiếu học, gia đình nhiều thế hệ chung sống mẫu mực... Tổ chức các hoạt động tuyên truyền hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3); Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) và Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình; Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11) và Tháng hành động vì bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới với nhiều hoạt động thiết thực từ tỉnh đến cơ sở.
Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức các hoạt động kỷ niệm 10 năm Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3/2013 - 20/3/2023); báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Đề án “Tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3 hằng năm”; tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) và Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình. Tổ chức Hội thi “Gia đình thể thao” tỉnh Đắk Lắk với 250 vận động viên đến từ 12 đơn vị tham dự; tuyên truyền 15m2 panô, 240 băng rôn, 1145 cờ phướn trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột với các nội dung về “Bộ quy tắc ứng xử Người Đắk Lắk văn minh – thân thiện – mến khách”; in ấn và phát hành 15.500 tờ lịch treo tường, 1.500 cuốn lịch tuyên truyền về nội dung “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình” cấp phát cho các hộ gia đình trên địa bàn tỉnh; xuất bản, phát hành 1.000 cuốn sách tài liệu về công tác gia đình. Triển khai thực hiện tuyên truyền nội dung “Bộ quy tắc ứng xử Người Đắk Lắk Văn minh – Thân thiện – Mến khách” dưới hình thức in 93 standy gửi đến phòng Văn hóa và Thông tin các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị liên quan, tuyên truyền tại các điểm tham quan, du lịch, nhà hàng, khách sạn, bến xe, cảng hàng không, trường học, nơi công cộng…
Năm 2024, tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2022; Chỉ thị số 06-CT/TW, ngày 24/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới; Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 29/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 04/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác phòng, chống bạo lực gia đình; Nghị định số 76/2023/NĐ-CP ngày 01/11/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Chiến lược, các kế hoạch, chương trình, đề án của Trung ương và của tỉnh về công tác gia đình trong tình hình mới. Tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền hưởng ứng Ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3); Ngày Gia đình Việt Nam (28/6) và Tháng hành động quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình; Ngày Quốc tế xóa bỏ bạo lực với phụ nữ (25/11) và Tháng hành động quốc gia vì Bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới theo chủ đề năm 2023. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền các văn bản Luật liên quan lĩnh vực gia đình và Phòng, chống bạo lực gia đình; các chương trình; kế hoạch, đề án; “Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình”; “Bộ quy tắc ứng xử Người Đắk Lắk Văn minh - Thân thiện – Mến khách” trên địa bàn toàn tỉnh.
Từ những kết quả đạt được, công tác gia đình hiện nay thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế, tồn tại trong việc triển khai công tác gia đình trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chưa phát huy hết vai trò của cộng đồng và chưa thật sự đầu tư nguồn lực cho công tác xây dựng gia đình. Bên cạnh đó cũng chưa có giải pháp đồng bộ, kịp thời để phòng ngừa, ngăn chặn tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, lối sống thực dụng, thông tin tiêu cực trên internet và mạng xã hội tới gia đình. Chưa xử lý triệt để tình trạng bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em...; Sự phối hợp giữa gia đình với nhà trường và xã hội trong định hướng giá trị giáo dục, đạo đức và lối sống cho trẻ em rất còn hạn chế.
Do vậy, để công tác gia đình được nâng cao chất lượng trong giai đoạn hiện nay cần quan tâm, định hướng phù hợp ở một số khía cạnh như: Cán bộ, đảng viên tiếp tục nêu gương và vận động Nhân dân tích cực tham gia xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc; Các địa phương, tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục xây dựng và nhân rộng mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, nề nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo; Các sở, ban, ngành, Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn Thanh niên.. cần có nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, định hướng giá trị, giáo dục thế hệ trẻ cả về mặt tình cảm, kiến thức, thể chất, đạo đức giúp cho trẻ em có nhận thức đúng đắn về gia đình, về trách nhiệm, nghĩa vụ bản thân trong các việc liên quan đến gia đình để hình thành thói quen tốt và hành vi đúng đắn cho đến khi trưởng thành.
Đồng thời công tác chú trọng thực hiện bình đẳng giới và các quy định pháp luật về gia đình để khắc phục dần các biểu hiện chưa lành mạnh trong gia đình. Cần lên án những biểu hiện tiêu cực trong gia đình, nhất là tình trạng bạo hành, bất bình đẳng giới; trong đó cần gắn trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong công tác tuyên truyền, vận động người thân, cộng đồng nơi cư trú thực hiện các nghĩa vụ cá nhân vào công tác chung xây dựng gia đình. Cần chú trọng hơn nữa công tác tuyên truyền về chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về công tác gia đình trong tình hình mới đến đông đảo các tầng lớp Nhân dân thông qua việc đa dạng hóa hình thức tuyên truyền. Tăng cường tổ chức các hoạt động gia đình với quy mô cấp huyện, quan tâm các hoạt động gia đình có quy mô cấp tỉnh. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” cần chủ động xây dựng kế hoạch, duy trì việc thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành kiểm tra công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình tại các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh.
Thanh Hằng