Về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh năm 2023
Ngày đăng: 25/05/2023 15:47
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 25/05/2023 15:47
UBND tỉnh Đắk Lắk vừa ban hành Kế hoạch về việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh năm 2023
Theo đó, mục tiêu của Kế hoạch: Tiếp tục thực hiện, giữ vững tiêu chí đã đạt được và nâng cao chất lượng, đảm bảo tính bền vững đối với các xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; Cấp huyện: Lũy kế số đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là 1 đơn vị; Cấp xã: Lũy kế toàn tỉnh có 86 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 56,6% (tăng 07 xã so với năm 2022, dự kiến các xã: Hòa Thành (huyện Krông Bông); Ea Hu (huyện Cư Kuin); Ea Bông (huyện Krông Ana); Cư Pơng (huyện Krông Búk); Vụ Bổn (huyện Krông Pắc); Ea Păl (huyện Ea Kar); Ea Tân (huyện Krông Năng)). Trong đó bao gồm 04 xã chưa hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận năm 2022 chuyển sang thực hiện năm 2023 (xã Ea Kiết, Ea Kuếh (huyện Cư M’gar); xã Ea H’leo (huyện Ea H’leo); xã Ea Tiêu huyện Cư Kuin). Lũy kế toàn tỉnh có 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (tăng 05 xã so với năm 2022, dự kiến các xã: Hòa Thắng, Ea Tu (thành phố Buôn Ma Thuột); Quảng Tiến (huyện Cư M'gar); Ea Kly (huyện Krông Pắc); Ea Nam (huyện Ea H’leo). Số tiêu chí đạt bình quân chung là 16,3 tiêu chí/xã (tăng 0,37 tiêu chí/xã so với năm 2022). Các xã đều đạt từ 10 tiêu chí trở lên. Phát triển, công nhận/chứng nhận cho khoảng 40-50 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao trở lên; phấn đấu ít nhất có 01 sản phẩm tiềm năng 5 sao đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP quốc gia. Tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống người dân ở nông thôn. Tập trung chỉ đạo và thực hiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, hỗ trợ liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững với quy mô sản xuất hàng hóa lớn đối với các nhóm sản phẩm chủ lực. Xây dựng mô hình khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu; xây dựng và thực hiện xã nông thôn mới kiểu mẫu.
Nội dung trọng tâm gồm: Trình HĐND tỉnh ban hành: Nghị quyết Quy định một số nội dung và mức hỗ trợ sử dụng kinh phí sự nghiệp từ nguồn vốn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; Nghị quyết quy định nội dung hỗ trợ, mẫu hồ sơ, trình tự, thủ tục lựa chọn dự án, kế hoạch, phương án sản xuất, lựa chọn đơn vị đặt hàng trong thực hiện các hoạt động h trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng và hỗ trợ phát triển sản xuất theo nhiệm vụ thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia triển khai trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết Quy định cơ chế lồng ghép và huy động nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; Ban hành Quyết định quy định về phân cấp quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk; Quyết định quy định về chi phí hỗ trợ chuẩn bị đầu tư, chi phí hỗ trợ quản lý dự án đối với một số dự án được áp dụng cơ chế đặc thù thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh tỉnh Đắk Lắk; Quyết định quy định về cơ chế quay vòng một phần vốn hỗ trợ bằng tiền mặt hoặc hiện vật để luân chuyển trong cộng đồng theo từng dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk...; Phân bổ và giám sát tình hình thực hiện nguồn vốn ngân sách và các nguồn vốn huy động khác để xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh năm 2023; Công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023; Tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, phê duyệt kết quả sản phẩm OCOP các cấp, chuyển hồ sơ đề nghị xem xét đánh giá, phân hạng đối với các sản phẩm tiềm năng OCOP theo quy định; Triển khai thực hiện có hiệu quả 06 chương trình chuyên đề bao gồm: Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2021-2025; Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Chương trình Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025; Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Chương trình tăng cường Bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; Kiểm tra, đôn đốc, triển khai cụ thể các nhiệm vụ: hướng dẫn, thực thi các giải pháp cụ thể và triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2023.
Nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp thực hiện, gồm: (1) Nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị trong xây dựng nông thôn mới, nhất là vai trò của người đứng đầu, phải xem xây dựng nông thôn mới là một cuộc cách mạng, một nhiệm vụ chính trị trọng tâm cần thực hiện kiên trì, kiên nhẫn, thường xuyên và liên tục, phải xác định xây dựng nông thôn mới "có điểm khởi đầu, nhưng không có điểm kết thúc". (2) Tập trung hoàn thành các văn bản quy định, hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình; chỉ đạo cấp huyện chủ động ban hành các chính sách đặc thù hỗ trợ thực hiện các nội dung của Chương trình theo hướng nâng cao chất lượng và bền vững. (3) Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân nông thôn về các nội dung mới, yêu cầu mới của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới; triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua “Đắk Lắk chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025”. (4) Các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và UBND cấp huyện căn cứ các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 để chủ động xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện; lựa chọn nội dung, nhiệm vụ ưu tiên, tập trung chỉ đạo và bố trí đủ nguồn lực để thực hiện, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của Chương trình năm 2023; tập trung triển khai hiệu quả 06 Chương trình chuyên đề trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng đời sống của người dân nông thôn và giải quyết các vấn đế bức xúc, tồn tại trong xây dựng nông thôn mới (môi trường, an toàn thực phẩm, nước sạch nông thôn, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã khởi nghiệp, sáng tạo, thực hiện Chương trình OCOP; chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch nông thôn…). (5) Thường xuyên kiện toàn bộ máy tổ chức thực hiện Chương trình ở các cấp đồng bộ, thống nhất từ tỉnh đến địa phương (huyện, xã), ưu tiên bố trí đủ người có tâm huyết, đủ năng lực cho bộ máy tham mưu về xây dựng NTM. Nâng cao năng lực và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng NTM chuyên trách ngày càng chuyên nghiệp. (6) Tăng cường thực hiện hiệu quả các giải pháp huy động nguồn lực thực hiện Chương trình. Các đơn vị, địa phương ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư cho các địa bàn khó khăn, đảm bảo tập trung, hiệu quả tránh dàn trải, phân tán làm lãng phí nguồn vốn ngân sách; thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; tiếp tục khuyến khích cho vay ủy thác; tăng cường vận động nguồn lực từ các doanh nghiệp, các tổ chức… (7) Thực hiện có hiệu quả Chương trình Khoa học công nghệ phục vụ xây dựng NTM giai đoạn 2022 - 2025 để góp phần giải quyết các vấn đề từ thực tiễn đặt ra trong phát triển sản xuất và nâng cao đời sống của người dân, phù hợp với điều kiện đặc thù của tỉnh. (8) Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình ở các cấp, các ngành. Có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí, xử lý nghiêm các vi phạm trong quá trình thực hiện Chương trình; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể các cấp, vai trò chủ thể của người dân trong giám sát, phản biện về kết quả xây dựng nông thôn mới ở cơ sở. (9) Tiếp tục và triển khai thực hiện xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; thôn, buôn đạt chuẩn nông thôn mới; khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu.
Dương Nguyễn