Xếp lại hạng I đối với Bảo tàng Đắk Lắk
Ngày đăng: 17/03/2022 09:57
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 17/03/2022 09:57
Ngày 16/3/2022, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đã ban hành Quyết định số 572 /QĐ-BVHTTDL công nhận Bảo tàng Đắk Lắk xếp hạng I trong hệ thống Bảo tàng Việt Nam.
Tiêu chuẩn xếp hạng bảo tàng hạng I được quy định tại Khoản 1 Điều 30 Nghị định 98/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật di sản văn hóa và Luật di sản văn hóa sửa đổi bao gồm các tiêu chí: Có đủ tài liệu, hiện vật trưng bày phù hợp với đối tượng và phạm vi hoạt động của bảo tàng, trong đó có ít nhất 5 sưu tập tài liệu, hiện vật quý hiếm và từ đủ 90% tổng số tài liệu, hiện vật trở lên đã được kiểm kê khoa học. 100% tổng số tài liệu, hiện vật được bảo quản định kỳ, bảo quản phòng ngừa và có thực hành bảo quản trị liệu; có trưng bày thường trực, hằng năm có ít nhất 3 trưng bày chuyên đề và thường xuyên mở cửa trưng bày phục vụ công chúng. Có công trình kiến trúc bền vững và hạ tầng kỹ thuật phù hợp, bảo đảm cho việc bảo quản, trưng bày tài liệu, hiện vật quy định. 100% số công chức, viên chức, nhân viên trực tiếp làm chuyên môn có trình độ đại học phù hợp với đối tượng và phạm vi hoạt động của bảo tàng.
Bảo tàng Đắk Lắk được khánh thành và đưa vào phục vụ khách tham quan từ tháng 11/2011, với diện tích khoảng 9.200m2, bao gồm hai khối nhà trưng bày và khuôn viên sân vườn thoáng đãng. Hiện Bảo tàng Đắk Lắk đang luân phiên trưng bày trên 1.200 tư liệu, hiện vật, hình ảnh... tiêu biểu, có giá trị lịch sử, văn hóa và hàm lượng khoa học sâu sắc về Đắk Lắk.
Thời gian qua, Bảo tàng Đắk Lắk luôn chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác trưng bày. Tại đây có nhiều hiện vật thể hiện giá trị văn hoá của hơn 49 dân tộc đang quần cư sinh sống tại Đắk Lắk, trong đó không gian văn hóa cồng chiêng và các vấn đề liên quan đến bản sắc văn hóa của các dân tộc tại chỗ được thể hiện rõ nét. Những hiện vật lịch sử giúp cho du khách có một cái nhìn về quá khứ hào hùng trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của quân và dân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. Và những hiện vật khảo cổ đã phần nào tái hiện, cung cấp cho người xem toàn cảnh lịch sử phát triển, những giá trị văn hóa độc đáo của con người, thiên nhiên của vùng cao nguyên hoang dã từ thời kỳ đồ đá cho đến ngày nay.
Bảo tàng Đắk Lắk là một trong những bảo tàng tiên phong thực hiện phương pháp trưng bày tiên tiến theo quan niệm Bảo tàng học hiện đại; là bảo tàng đầu tiên ở Việt Nam đã sử dụng 4 ngôn ngữ trong trưng bày: cùng với tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Anh còn có tiếng Êđê – ngôn ngữ của cư dân tại chỗ đông nhất trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra Bảo tàng Đắk Lắk đã biết sử dụng phim trong trưng bày, các êtikét, sách cứng là những dụng cụ trực quan giúp du khách có thể nắm bắt phần nào nội dung không cần phải thuyết minh. Bảo tàng Đắk Lắk đã tổ chức những chương trình trải nghiệm như đan lát, dệt vải, chế tác nhạc cụ… để giúp du khách có thể hòa mình vào không gian văn hóa đó và có những trải nghiệm lý thú từ các hoạt động này. Bằng việc tôn trọng hiện vật gốc, tôn trọng chủ thể văn hóa, những thước phim phản ánh chân thực đời sống cộng đồng. Bảo tàng Đắk Lắk đã xây dựng hình ảnh của mình mang phong cách một Bảo tàng hiện đại nhưng vẫn đậm chất truyền thống dân tộc, đó chính là nỗ lực đáng ghi nhận để vươn tới một Bảo tàng đẳng cấp trong khu vực.
Thời gian tới, Bảo tàng Đắk Lắk sẽ tiếp tục đóng vai trò là nơi hội tụ và lưu giữ những giá trị lịch sử của tỉnh Đắk Lắk, với không gian rộng lớn, thiết kế hiện đại, độc đáo. Đồng thời, nơi đây cũng sẽ trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách khi tới với Đắk Lắk. Cùng với đó, khi thăng hạng, Bảo tàng Đắk Lắk sẽ là mắt xích quan trọng trong việc thu hút khách du lịch, đóng góp vào sự phát triển du lịch chung của tỉnh nhà.
Lâm Anh
Quyet%20dinh%20xep%20lai%20hang%20%20I%20doi%20voi%20Bao%20tang%20Dak%20Lak.pdf |