Hội nghị Sơ kết 5 năm thi hành Luật Thư viện
Ngày đăng: 18/11/2024 13:50
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 18/11/2024 13:50
Ngày 15/11/2024, tại Nhà Văn hoá Lao động tỉnh Lâm Đồng, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị Sơ kết 5 năm thi hành Luật thư viện. Tham dự Hội nghị có đồng chí: Trịnh Thị Thuỷ - Thứ trưởng Bộ VHTTDL; đồng chí Kiều Thuý Nga - Vụ trưởng Vụ thư viện, đồng chí Phạm S - Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, cùng đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện, các đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam và đại diện Lãnh đạo Sở VHTTDL các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Trịnh Thị Thuỷ - Thứ trưởng Bộ VHTTDL nêu rõ: Luật Thư viện số 46/2019/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2019 và có hiệu lực từ ngày 01/7/2020. Luật ra đời đã thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với công tác thư viện, là dấu mốc quan trọng trong hoạt động thư viện và phát triển văn hoá đọc của Việt Nam. Cùng với các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, Luật Thư viện đã tạo hành lang pháp lý quan trọng, định hướng phát triển thư viện trong truyền bá tri thức, bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa của nhân loại, góp phần tạo môi trường học tập suốt đời và xây dựng nền tảng xã hội học tập, nâng cao dân trí, xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện….Theo đồng chí Thứ trưởng nhấn mạnh - Hội nghị lần này, chúng ta nhằm nhìn nhận, đánh giá chung về thực trạng áp dụng Luật thư viện vào hoạt động thư viện trong 5 năm qua, cũng như đánh giá những kết quả đạt được, chưa được hay còn vướng mắc hạn chế thì cần đưa ra bàn bạc, đề xuất tại Hội nghị để kịp thời sửa đổi, bổ sung góp phần hoàn thiện Luật thư viện trong thời giới tới.
Đặc biệt, tại Hội nghị các đại biểu đều đi sâu tập trung chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi và thảo luận xoay quanh năm nội dung chính, cụ thể: 1/ Đánh giá sơ kết tình hình triển khai và kết quả 5 năm thực thi Luật Thư viện; 2/ Các điều kiện bảo đảm và tuân thủ Luật Thư viện; 3/ Những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, bất cập cần tháo gỡ, bài học kinh nghiệm trong quá trình triển khai Luật Thư viện; 4/ Đánh giá thực tiễn triển khai các quy định, một số nội dung chính của Luật Thư viện; Công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, xã hội đối với việc phát triển thư viện, văn hóa đọc trong cộng đồng, xây dựng xã hội học tập; giải pháp xây dựng và duy trì thói quen đọc sách; 5/ Đề xuất, kiến nghị, giải pháp hoàn thiện thể chế, tăng cường hiệu lực và tổ chức thi hành có hiệu quả Luật Thư viện.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy đã nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm cho thời gian tới như sau:
Tiếp tục nỗ lực bằng mọi cách để cả hệ thống chính trị, tất cả các cấp các ngành từ Trung ương đến địa phương nhận thức đầy đủ, toàn diện sâu sắc và trọng tâm, trọng điểm hơn về vai trò, vị trí và ý nghĩa của công tác thư viện, công tác phát triển văn hóa đọc đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong tình hình mới.
Đề nghị Vụ Thư viện, trong quá trình tham mưu cho Chính phủ, Bộ, ngành thì tất cả các văn bản liên quan đến công tác quản lý Nhà nước về hoạt động thư viện và phát triển văn hóa đọc cần phải xin ý kiến góp ý, phản biện của các cơ quan liên quan, đặc biệt là Hội Thư viện Việt Nam.
Đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thư viện bằng cách thực hiệu quả quy hoạch mạng lưới thiết chế thư viện đã được giao;
Chủ động nghiên cứu, lựa chọn để xác định các thư viện có vai trò quan trọng để ưu tiên đầu tư; Nâng cao hiệu quả chương trình phối hợp công tác giữa Bộ VHTTDL, giữa các ngành và các địa phương; hệ thống thư viện cả nước cần tập trung nâng cao đào tạo, nâng cao trình chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác thư viện để đáp ứng được yêu cầu tình hình mới trong công tác tham mưu, tổ chức thực hiện, các nhiệm vụ phát triển thư viện, hoạt động thư viện cũng như văn hóa đọc...
Mong muốn chủ thể quản lý luôn chủ động, tích cực sáng tạo, linh hoạt và mạnh mẽ hơn trong việc triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ hệ thống thư viện công cộng, thư viện tư nhân… bộ, ngành các địa phương nhằm nâng cao hiệu quả hơn nữa hoạt động phát triển văn hoá đọc. Đặc biệt, các Sở tại địa phương như ngành Văn hoá, thể thao, Du lịch cần nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra và rà soát hoạt động của Hệ thống thư viện để kịp thời tham mưu cấp thẩm quyền, xem xét, chỉ đạo kịp thời để đẩy mạnh hoạt động quản lý nhà nước về thư viện cũng như phát triển văn hóa đọc trong thời gian tới./.
Hải Yến