Nhìn từ một lễ hội cấp huyện
Ngày đăng: 13/09/2024 14:11
Hôm nay: 0
Trong tuần: 0
Tất cả: 0
Ngày đăng: 13/09/2024 14:11
Có thể nói, Lễ hội sầu riêng lần II-2024 do huyện Krông Pắc (Đắk Lắc) tổ chức từ ngày 30/8 đến 2/9 là một trong những sự kiện văn hóa chất lượng và bất ngờ nhất của năm 2024. Đây chỉ là sự kiện cấp huyện, nhưng quy mô và chất lượng tương đương các lễ hội cấp tỉnh nổi bật khác.
Thực tế thì chất lượng của Lễ hội sầu riêng Krông Pắc cũng có thể sánh ngang với Lễ hội cà-phê Buôn Ma Thuột, một trong những lễ hội nổi tiếng trên cả nước trong nhiều năm qua. Lễ hội sầu riêng Krông Pắc có thể gợi mở cho xu hướng thực hiện những lễ hội không nhất thiết phải ngay tại các thành phố trung tâm nhưng vẫn tạo ra lợi ích kinh tế – xã hội và lan tỏa nhiều thông điệp.
Chỉ trong vài năm ngắn ngủi, Krông Pắc nổi lên như một vùng đất trồng sầu riêng số 1 ở Tây Nguyên, đồng thời thay đổi diện mạo và đời sống của người dân huyện này. Điểm nổi bật đầu tiên chính là sự cởi mở của lãnh đạo huyện. Những lãnh đạo của huyện Krông Pắc rất biết tạo ra nội dung (contentl) trong các chia sẻ của mình với báo chí, qua đó lan tỏa thương hiệu sầu riêng Krông Pắc một cách rất gần gũi. Trong các buổi họp báo hoặc trả lời báo giới liên quan đến Lễ hội sầu riêng, các lãnh đạo huyện Krông Pắc luôn đưa ra các con số cụ thể về sản lượng, diện tích, giá bán… góp phần tạo nhiều bài báo và nội dung chia sẻ trên mạng xã hội.
Một vấn đề quan trọng trong việc tổ chức lễ hội chính là việc huy động nguồn lực từ xã hội, đặc biệt sự kiện chỉ do huyện tổ chức. Theo ông Trần Hồng Tiến, Bí thư Huyện ủy Krông Pắc, mấu chốt của vấn đề nằm ở sự tự hào của địa phương và giá trị đem lại cho doanh nghiệp phải tương xứng. Nghĩa là nếu cả hệ thống chính trị huyện được huy động, kể cả nhân dân cùng tham gia tổ chức lễ hội để chính bản thân, gia đình mình cũng được trải nghiệm thì dù có vất vả, mọi người cũng sẵn sàng.
“Tỷ lệ xã hội hóa của lễ hội là rất cao, các doanh nghiệp đều sẵn sàng chung tay với huyện dù vẫn đang trong xu hướng tiết kiệm chi phí. Bởi lẽ, một sự kiện mộc mạc, nhưng chỉn chu sẽ tạo ra bản sắc cho một vùng đất, góp phần nâng cao giá trị thương hiệu cho sầu riêng Krông Pắc”, TS Ngô Thị Minh Trinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc lý giải.
Có thể nói sau cà-phê, Đắk Lắk đang khá nhanh nhạy trong việc thiết lập một mặt hàng nông sản chủ lực khác là sầu riêng. Nhưng nông sản hiện nay không chỉ là chuyện trồng trọt, thu hoạch, mua bán, sử dụng mà cần phải có hệ sinh thái đi kèm như lễ hội hay các sự kiện khác nhằm lan tỏa, tạo xu hướng mới có thể tạo ra chỗ đứng trên thị trường. Và trách nhiệm này, thay vì từ cấp tỉnh, nếu những cấp huyện làm tốt như Krông Pắc cũng sẽ đem lại nhiều lợi thế và tối ưu giá trị cho nông sản.
Mai Anh (bt)